Là phần máu thịt xa xôi nhất ở phía Tây Nam trên bản đồ đất nước, đảo Thổ Chu (còn gọi là Thổ Châu, thuộc xã Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) nằm cách đất liền (Thành phố Rạch Giá) khoảng 220 cây số.
Đây cũng được coi là “đảo của đảo” khi mà để đến được Thổ Chu, cách duy nhất vẫn là những chuyến tàu từ đảo Phú Quốc với hải trình mỗi ngày một chuyến. Điều đặc biệt nhất của hòn đảo này là sự hồi sinh mạnh mẽ với không chỉ những vòng quay của mùa xuân trời đất mà còn là mùa xuân của những đời người.
Trong rì rầm tiếng sóng biển, giữa bạt ngàn màu xanh bất tận của rừng cây, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Chung, 66 tuổi, một người dân đã gắn bó với Thổ Châu từ ngày đầu “hồi sinh” kể: Năm 1992, Nhà nước bắt đầu cho phép người dân ra đảo Thổ Châu sinh sống, làm ăn trở lại. Ngày đó, ông Chung cùng hơn mười hộ dân khác ở đất liền tìm tới đảo.
Sang năm 1993, lại tiếp tục có khoảng hai chục hộ dân ở nhiều địa phương của Kiên Giang tìm tới đảo lập nghiệp. Trước đó, đảo chỉ có bộ đội đóng quân, canh giữ và thỉnh thoảng mới có những ghe thuyền ngư dân ghé lại. Thời gian này, những hộ dân đều được bộ đội giúp đỡ rất nhiều, thậm chí cấp những khoảnh đất nhỏ để dựng nhà cửa, làm bè nuôi cá, đóng ghe thuyền đi biển.
Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cư dân trên đảo chẳng mấy chốc đã đông đúc. Thậm chí nhiều cán bộ chiến sỹ khi tới nhận nhiệm vụ công tác trên đảo đã bén duyên cùng những cô gái ở đây, để tạo thành những gia đình nho nhỏ cho riêng mình.
Cứ thế, theo vòng quay của trời đất, của đời người, hòn đảo xa xôi địa đầu Tổ quốc ngày nay đã là một quần thể xã hội đầy đủ với trường học, trạm y tế, chợ, quán ăn, quán cà phê, nhà hàng... cùng gần 600 hộ dân với hơn hai ngàn nhân khẩu.
Cũng như nhiều hòn đảo ở phía Tây Nam khác, Thổ Châu là một quần đảo với gần 10 đảo lớn nhỏ, nằm khá gần nhau. Trong đó, đảo Thổ Châu lớn nhất có diện tích xấp xỉ 14km mét vuông. Từ trước khi huyện đảo Phú Quốc chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang, xã đảo Thổ Châu đã có đề án nâng cấp thành huyện Thổ Châu trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Thế mạnh của Thổ Châu chính là tiềm năng du lịch cũng như nuôi thuỷ sản. Nếu như thời gian trước, những địa điểm xa xôi về địa lý thường gặp khó khăn trong việc thu hút khách du lịch tìm tới thì ngày nay, xu hướng dường như ngược lại. Một bộ phận người dân đang có nhu cầu đi du lịch những địa điểm đặc biệt, xa xôi, ít người từng tới để khám phá, tìm hiểu.
Đó là lý do những chuyến tàu cao tốc từ Phú Quốc ra Thổ Châu (khoảng 100km) luôn chật kín du khách. Trên đảo hiện cũng có nhiều nhà nghỉ lưu trú phục vụ du khách bởi để khám phá hết hòn đảo này, có khi phải mất vài ngày.
Cũng như tất thảy những mảnh đất gần biển khác, người dân ở Thổ Châu phần nhiều sinh sống dựa vào biển. Ngoài nghề đi biển truyền thống, hiện nghề nuôi hải sản ở đảo cũng rất phát triển. Xung quanh đảo là những lồng bè nuôi cá bớp nằm san sát nhau. Người dân Thổ Châu gọi cá bớp là loài cá “tiền tỷ” vì giá trị kinh tế rất lớn của chúng. Hầu hết cá bớp ở Thổ Châu đều được các thương lái đem đi Phú Quốc, Rạch Giá khi tới vụ thu hoạch. Ngoài ra, cũng như những ngư dân khác, ở Thổ Châu nhiều người theo nghề biển.
Với một hòn đảo cách xa đất liền (Thành phố Rạch Giá) khoảng 220 cây số, những thực phẩm mà người dân tự sản xuất được là một phần quan trọng của cuộc sống nơi đây. Tại chợ Thổ Châu, chúng tôi thấy xuất hiện hầu hết những loại thực phẩm thông thường như rau, củ quả hay đồ gia dụng khác. Nếu tàu cao tốc từ Phú Quốc ra hầu như chỉ chở khách thì thực phẩm, đồ dụng gia dụng ở Thổ Châu được các ghe cá đem từ Rạch Giá, Hòn Đất ra buôn bán.
Gắn bó cùng Thổ Châu suốt mấy chục năm qua, Đại tá Dương Đức Mười - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152 (Quân khu 9) được người dân trên đảo gọi bằng cái tên vui rất đỗi đời thường “chúa đảo” bởi ông không chỉ là vị chỉ huy quân sự mà còn giúp đỡ người dân rất nhiều. Trò chuyện cùng chúng tôi, Đại tá Mười bảo với vị trí nằm sát đường hàng hải quốc tế, nhiệm vụ của bộ đội trên đảo không chỉ bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân mà còn đảm bảo lưu thông cho tàu thuyền trong và ngoài nước.
Chứng kiến hòn đảo từ những ngày đầu người dân tới lập nghiệp tới nay, khi đảo đã trở thành khu vực dân cư đông đúc, Đại tá Mười không giấu nổi xúc động mỗi lần kể chuyện cũ. Ông bảo, cuộc sống của người dân Thổ Châu đang thay đổi từng ngày. So với gần chục năm trước, mọi thứ đang tốt lên nhiều. Đầu tiên là nước ngọt, nguồn tài nguyên cần thiết của người dân trên đảo đã được lưu trữ, bảo quản quanh năm.
Hầu hết các hộ dân đều có bể, bồn chứa nước ngọt mùa mưa. Đặc biệt, trong khu vực núi phía sau trung đoàn 152, bộ đội mới hoàn thành xong một bể nước ngọt tự nhiên với trữ lượng hàng ngàn mét khối, đủ để toàn bộ người trên đảo sử dụng trong 3 năm liên tục. Nỗi lo thiếu nước ngọt mùa khô đã không còn khiến nhiều người phải bỏ đảo về đất liền nữa.
Ngoài nước ngọt, điện cũng không còn là mối lo như thời gian trước. Khi đi dọc theo các con đường bê-tông trên đảo, chúng tôi thấy những tấm pin điện mặt trời nằm san sát nhau trên các mái nhà, hướng ra phía biển.
Đang đi loanh quanh trên đảo thì tới giờ tan trường. Từ trong con hẻm ngay ngã ba chợ Thổ Châu, hàng trăm em nhỏ ùa ra trong bộ đồng phục giống nhau. Tiếng cười nói, nô đùa của các em làm cho chúng tôi như quên mất mình đang ở hòn đảo cách đất liền mấy trăm cây số. Mọi thứ bình yên và đẹp đẽ đến lạ thường.
Cô Hà Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường cấp 1-2 Thổ Châu, người có nhiều năm gắn bó với các thế hệ học sinh bảo sau khi học xong cấp 2, các em có nhu cầu sẽ được gia đình gửi vào Phú Quốc hay Rạch Giá để tiếp tục học lên nữa. Tuy nhiên, điều khó khăn với đội ngũ thầy cô giáo trên đảo chính là giúp các em vượt qua “mùa đi học” mỗi năm.
Theo đó, trường nằm ở phía bãi Ngự, ngay nơi cảng và cũng là nơi tập trung đông cư dân. Đây cũng là nơi có hàng trăm lồng bè nuôi cá bớp của dân trên đảo. Tuy nhiên, những tháng cuối năm cho tới đầu năm sau, khi mùa gió chướng từ biển thổi vào nhiều, các lồng bè được ngư dân di chuyển ra phía bãi Mun, bãi Dong phía bên kia đảo. Do cha mẹ di chuyển, các em nhỏ cũng chuyển nơi sinh sống, khiến việc học hành bị ảnh hưởng rất nhiều.
Những chiếc ghe nhỏ nằm cạnh nhau, buộc túm lại của ngư dân ngay nơi cầu cảng bên bãi cát dài phẳng lặng dường như đẹp hơn bất kỳ bức tranh nào. Điều kỳ lạ hơn nữa, sau ba trăm năm từ ngày được khai phá, vẻ đẹp ấy vẫn mới mẻ, y nguyên như lúc ban đầu.
Bắt đầu từ cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn, người ta biết tới đảo Thổ Chu khi đây là nơi chúa Nguyễn Ánh chạy tới lánh nạn mỗi lần thua trận. Ở Thổ Châu hiện vẫn còn nhiều địa danh gắn liền với chúa Nguyễn Ánh như Bãi Ngự (nơi vua hay ngồi), bãi Dong, bãi Mun là nơi chúa Nguyễn Ánh ở khi mùa gió chướng cuối năm thổi…