Giáo dục

Đào tạo giáo viên dạy học tích hợp: Các trường sư phạm thận trọng

Thu Hương 22/04/2024 09:44

Mùa tuyển sinh 2024, nhiều trường sư phạm mở thêm ngành mới, đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên. Đặc biệt, một số trường dự kiến xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với 2 ngành tích hợp.

anhbaitren.jpg
Chương trình, sách giáo khoa môn tích hợp đã có, chỉ thiếu giáo viên. Ảnh: HPU2.

Nhiều lựa chọn

Theo đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, năm học này là năm đầu tiên trường tuyển sinh 2 ngành mới gồm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (KHTN). Tổng chỉ tiêu cho cả 2 ngành khoảng 100 em. TS Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng khoa Triết học cho biết, thời gian qua trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu thực tiễn, từ đó đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xin mở ngành. “Thực tế 1 giáo viên (GV) có thể dạy tốt môn Hóa hoặc môn Sinh hay Vật lý, nhưng khi sáp nhập, theo đúng bản chất tích hợp, thì 1 bài học cần chứa cả kiến thức 3 môn học trên, với Lịch sử và Địa lý cũng vậy. Tích hợp không phải sự cộng lại các môn học một cách cơ học. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với vai trò là “máy cái” trong đào tạo GV cần phải tạo ra đội ngũ GV thể hiện đúng bản chất của việc dạy và học tích hợp” - ông Nhiên cho biết.

Cũng là năm đầu tiên tuyển sinh ngành sư phạm KHTN, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 dự kiến tuyển 66 chỉ tiêu. Trước đó, năm học 2023, trường đã tuyển sinh khóa đầu tiên ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý. Việc tổ chức đào tạo đã triển khai rất thuận lợi và bài bản. Tỷ lệ chọi của ngành này năm trước ở mức cao khi có tới hơn 1.200 nguyện vọng nhưng chỉ lấy 60 chỉ tiêu.

Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Vinh cũng mở thêm 2 ngành mới là Sư phạm Lịch sử - Địa lý và KHTN. Đại diện nhà trường cho biết, trong chương trình GDPT 2018, môn KHTN trong chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu cần được bồi dưỡng về phương pháp dạy học tích hợp, dạy học phân hoá; kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; bồi dưỡng kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học để vừa nắm vững các nguyên lý KHTN, các nguyên lý ứng dụng công nghệ, vừa hiểu sâu các khái niệm, quy luật tự nhiên, trong khi đối với môn Lịch sử - Địa lý, đây là môn học tích hợp giữa 2 môn Lịch sử - Địa lý.

Ở năm thứ 2 tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý và KHTN, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) thông tin có 5 phương thức để xét tuyển, thí sinh cần lưu ý. Về chỉ tiêu dự kiến theo chỉ tiêu năm 2024 được Bộ GDĐT giao cho.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) năm nay cũng tuyển sinh 2 ngành này, phương thức xét tuyển tương tự như năm 2023. Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn năm 2023 của ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý và KHTN theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT lần lượt là 26,25 và 22,75; theo phương thức xét học bạ THPT là 27,15 và 27,50; theo phương thức điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức là 16,5 và 18,75.

Để giáo viên tự tin đứng lớp

Theo TS Nguyễn Văn Ninh - Chủ biên phần Lịch sử trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 - Bộ Cánh Diều cho biết, khó khăn là ở chương trình, sách giáo khoa tích hợp ra đời khi GV chưa được đào tạo sẵn sàng để dạy học tích hợp. Giải pháp tình thế như cách Bộ GDĐT hướng dẫn và nhiều trường cũng đang triển khai hiện nay đó là GV phân môn nào dạy học, ra đề phân môn đó ở môn học Lịch sử và Địa lý sau đó tổng hợp lại,… Về lâu dài, khi có đội ngũ kế cận được đào tạo bài bản về dạy học môn tích hợp thì điều này sẽ được cải thiện.

Điều này đặt ra yêu cầu đối với các trường sư phạm trong việc đào tạo GV môn tích hợp làm sao đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng chất lượng dạy học trong trường phổ thông hiện nay. Ghi nhận trong mùa tuyển sinh ĐH 2024, việc nhiều trường sư phạm mở thêm ngành mới, đào tạo GV dạy môn tích hợp Lịch sử - Địa lý và KHTN giúp các trường bổ sung nguồn GV cần thiết để đảm bảo dạy học môn tích hợp.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, việc mở ngành đào tạo môn học tích hợp là giải pháp căn bản trang bị kiến thức bài bản, giúp GV tự tin đứng lớp. Việc GV được bồi dưỡng, tập huấn chứng chỉ trong thời gian vài tháng, theo hướng chương trình môn KHTN ở phổ thông có nội dung gì thì GV bồi dưỡng nội dung đó sẽ khó được trọn vẹn. Khi được đào tạo bài bản, GV sẽ tự tin giảng dạy, đặc biệt là với kiến thức thích hợp, một vấn đề được các thầy cô giảng dạy trên quan điểm của từng đơn môn. Còn bây giờ, cùng một vấn đề phải dùng đến kiến thức của cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh mới có thể giải quyết được. Điều này có lợi cho việc giáo dục, phát triển năng lực của học sinh.

Chia sẻ thêm, đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, trong thiết kế chương trình, nhà trường có riêng một học phần ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học KHTN. Sinh viên được đào tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cách sử dụng các công nghệ AR (Augmented Reality), VR (Virtual Reality) trong việc thiết kế bài giảng môn KHTN, nhất là tận dụng những ưu thế của các công nghệ này trong việc thiết kế các thí nghiệm ảo để đưa vào bài giảng môn KHTN giúp việc dạy học hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo giáo viên dạy học tích hợp: Các trường sư phạm thận trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO