Đào tạo giáo viên: Nhiều tỉnh vẫn chưa ‘đặt hàng’

Thu Hương 11/10/2021 06:45

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên áp dụng chính sách “đặt hàng” đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, song theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết vẫn chưa có nhiều trường nhận được đơn “đặt hàng” từ các địa phương.

Chưa triển khai vì vướng biên chế

Ở năm học đầu tiên áp dụng Nghị định 116, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được 3 tỉnh “đặt hàng” gồm Cao Bằng, Hà Giang và Lai Châu với tổng số gần 200 chỉ tiêu trong hơn 4.000 chỉ tiêu của trường. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhận được 2 đề nghị “đặt hàng” từ Hà Giang và Cao Bằng với 200 chỉ tiêu.

Đây là 2 trong số những trường “top” đầu của cả nước về đào tạo các ngành sư phạm mới nhận được đơn “đặt hàng” khá khiêm tốn. Lý giải điều này, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho hay, do năm nay Nghị định 116 mới đưa vào áp dụng nên các địa phương chưa kịp “đặt hàng” và cũng cần phải chấp nhận giai đoạn chuyển tiếp.

Trong khi đó, về phía các địa phương, có nhiều cách lý giải khác nhau về việc chưa triển khai “đặt hàng” các trường và cả những băn khoăn. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GDĐT Thái Nguyên nêu thực trạng nếu theo định mức của Bộ GDĐT, tỉnh Thái Nguyên thiếu hơn 5.000 giáo viên, nhưng biên chế Chính phủ giao thấp hơn rất nhiều. Do vậy, Thái Nguyên rất khó xác định chỉ tiêu để “đặt hàng” các đơn vị đào tạo.

Tương tự, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam cho biết, thống kê của địa phương cho thấy đang thiếu trầm trọng giáo viên ở bậc mầm non, nhưng vẫn không được tuyển vì không được tăng thêm biên chế. Nếu vội vã “đặt hàng” khi chưa nắm được cung - cầu sẽ dẫn tới tình trạng bất cập, lãng phí.

Vướng ở việc biên chế là vấn đề chung của phần lớn các địa phương khi triển khai “đặt hàng” đào tạo giáo viên bởi hiện nay việc tuyển giáo viên vẫn phải theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP (về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức). Câu hỏi đặt ra là, nếu tỉnh “đặt hàng” đào tạo một số lượng giáo viên và chi trả học phí, sinh hoạt phí hàng tháng nhưng sau khi tốt nghiệp, nếu thi tuyển không đỗ, những sinh viên này sẽ đi về đâu? Họ có bị buộc phải trả lại tiền cho Nhà nước hay không? Hoặc họ công tác ở các địa phương khác, cũng vẫn trong ngành giáo dục thì việc “đặt hàng” của các địa phương thành ra… dư thừa?

Lãnh đạo một địa phương cho hay khi có biên chế, địa phương sẽ đăng tin tuyển dụng công khai thay vì có cơ chế riêng để chỉ tuyển sinh viên mình đã “đặt hàng”. Vậy thì cần gì phải “đặt hàng” từ mấy năm trước trong khi chưa biết sau này sẽ sắp xếp công việc cho các em ra sao?

Nỗ lực đảm bảo việc làm cho cử nhân sư phạm

Năm 2021-2022, Trường Đại học Hồng Đức gây kinh ngạc khi tuyển sinh 2 ngành đào tạo trình độ đại học sư phạm Ngữ văn chất lượng cao với 30,5 điểm, sư phạm Lịch sử chất lượng cao 29,75 điểm. Số điểm “vượt khung” này được lý giải là vì chỉ tiêu tuyển sinh ít trong khi số lượng thí sinh đăng ký đông.

Thí sinh đổ xô vào ngành này, ngoài lý do đến từ chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, riêng ngành học chất lượng cao, khi vào học các em sẽ được miễn học phí, ở ký túc xá miễn phí, được cấp học bổng với mức 990.000 đồng/tháng đối với sinh viên xuất sắc và 915.000 đồng/tháng đối với sinh viên giỏi. Đặc biệt, các sinh viên này thuộc nguồn giáo viên THPT chất lượng cao giai đoạn 2022-2030 được tỉnh Thanh Hóa “đặt hàng” Đại học Hồng Đức, nghĩa là một tương lai tươi sáng về công việc sau khi ra trường đang chờ đón các tân sinh viên hôm nay. Tất nhiên, kèm theo đó là các điều kiện: Tốt nghiệp loại khá trở lên, có sức khỏe tốt, đạo đức tốt…

Từ minh chứng sống động này có thể thấy, nếu ngành sư phạm giải quyết được bài toán cung cầu thì không lo không tuyển được học sinh giỏi vào trường. Nhiều năm qua, các chuyên gia đã chỉ ra thực trạng điểm số cao và ổn định qua các năm của các trường khối ngành công an, quân đội có nguyên nhân lớn vì được sắp xếp công việc sau ra trường. Vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng đã có và thêm việc đảm bảo đầu ra thì “giấc mơ sư phạm” sẽ không cản bước bất cứ người học nào muốn đầu quân vào các trường. Nỗi lo thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề với các cử nhân sư phạm vẫn là câu chuyện dài diễn ra với nhiều thế hệ hy vọng sẽ được cải thiện với những chính sách thiết thực, đi vào đời sống này. Chất lượng đội ngũ giáo viên chắc chắn được nâng lên.

Hiện Bộ GDĐT đã hỗ trợ xây dựng phần mềm tuyển sinh ngành sư phạm (trang hỗ trợ tuyển sinh ngành sư phạm) và có văn bản hướng dẫn sử dụng phần mềm này gửi các tỉnh, các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, đại diện Bộ GDĐT cũng nhìn nhận việc giao/nhận nhiệm vụ, “đặt hàng” đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của 63 địa phương và 102 cơ sở đào tạo có đào tạo các ngành sư phạm tại cùng thời điểm, cùng sử dụng trang hỗ trợ tuyển sinh ngành sư phạm, là vấn đề phức tạp.

Vì vậy, để triển khai thực hiện được, các địa phương cần cử cán bộ lãnh đạo và chuyên viên làm đầu mối để nhận hướng dẫn từ Bộ GDĐT, nhận thông tin từ các cơ sở đào tạo và trực tiếp xử lý thông tin trên trang hỗ trợ tuyển sinh ngành sư phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo giáo viên: Nhiều tỉnh vẫn chưa ‘đặt hàng’