Bắt đầu từ hôm nay, 7/12, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ tiến hành thẩm định các điều kiện về việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa và Dược học. Tham gia đoàn còn có 2 chuyên gia đến từ Bộ Y tế. Cuộc thẩm định dự kiến sẽ kéo dài tới hết ngày 11/12. Theo GS.TSKH Hoàng Tích Huyền- nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý Trường ĐH Y Hà Nội thì việc đào tạo Y- Dược có những đặc thù riêng, trong đó đặc biệt quan trọng là chất lượng giảng viên.
Một buổi thực hành của sinh viên khoa Y Dược Đại học Đà Nẵng.
“Ngành Y - Dược có những đặc thù riêng mà không phải cứ đào tạo trong trường ra đã làm được nghề. Đào tạo trình độ ĐH thì nên là ĐH, đừng biến thành một thứ cao đẳng cải tiến” - GS.TSKH Hoàng Tích Huyền, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết.
PV: Thưa ông, liên quan đến việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành Y đa khoa và Dược học, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị cử 2 cán bộ có chuyên môn tham gia đoàn kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu của đoàn thẩm định liên Bộ GD&ĐT-Y tế. Chứng tỏ Bộ cũng thấy cần phải xem xét lại?
GS.TSKH Hoàng Tích Huyền: Một cái áo may lỗi có thể thay cái áo khác. Một sản phẩm thuốc mà lỗi ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người. Tôi ở trường y suốt đời nên theo tôi biết, tất cả các bộ môn đều phục vụ mục đích phòng và chữa bệnh nên đào tạo không phải ra cái máy mà là ra con người chữa cho con người, để phòng bệnh điều trị giữ sức khoẻ cho con người. Phải rất thận trọng.
Một chứng cứ là sinh viên trường y học rất lâu. Sau khi ra trường phải chuyên khoa hàng chục năm mới có thể tạm gọi là vững vàng. Đó là chưa kể lúc ra trường, bác sĩ ở chuyên môn hẹp phải kết hợp với các chuyên khoa khác mới có thể chữa bệnh được.
Xét về điều kiện giảng viên để mở ngành trình độ ĐH, có thể trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã đáp ứng yêu cầu về số lượng cũng như bằng cấp để mở ngành Y đa khoa và Dược học. Nhưng trên thực tế đã có những trường mời giảng viên trên danh nghĩa mà không tham gia giảng dạy hoặc dạy rất ít, thưa ông?
- Cái tôi băn khoăn ở đây không chỉ là số giảng viên nhiều hay ít mà quan trọng hơn đó là chất lượng các giảng viên này ra sao. Muốn làm cán bộ giảng dạy của trường y phải có trình độ, sự tín nhiệm nhất định mới có thể làm thầy được. Tôi cho rằng vấn đề không nằm ở tuổi tác, cũng không cứ phải là những người có tên tuổi mà là năng lực, trình độ cao. Thực chất sẽ làm nên tên tuổi. Hai chuyện đó đi đôi với nhau.
Như bộ môn Dược lý ở trường Y Hà Nội, tôi để ý thấy những cán bộ giảng dạy trẻ nhưng họ nắm bắt thông tin tốt, giảng cũng tốt. Nhiều khi gần họ mình cũng học thêm được nhiều. Còn mời những thầy có tuổi, đã về hưu cũng rất tốt về mặt kinh nghiệm, nhưng sức khoẻ có thể đã hạn chế. Chưa kể, nhiều khi có tuổi cũng hay quên. Và kiến thức y dược thì thay đổi mỗi ngày, nếu không chịu khó cập nhật sẽ không thể theo kịp được. Vì vậy cần phải rất quan tâm đến nguồn cán bộ giảng dạy bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng. Không nên mời cho đủ số lượng mà phải là chất lượng.
Thưa ông, từ xưa đến nay khối trường y dược vốn có điểm đầu vào rất cao. Nhưng khi ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành này với điểm đầu vào dự kiến khoảng 20 điểm cũng khiến nhiều người lo lắng?
- Điều lo lắng đó là có cơ sở. Ai cũng biết vào trường y dược rất khó, điểm rất cao. Nhưng không phải khi ra làm bác sĩ, dược sĩ anh nào cũng giỏi. Tôi biết có trường hợp ra nghề cũng xoàng, nếu người đó không học tập bền bỉ, không chịu thực hành nâng cao trình độ và tay nghề.
Ở các nước khi tốt nghiệp bác sĩ, dược sĩ rồi cũng còn hàng chục năm sau mới gọi là đủ lông đủ cánh để sản xuất thuốc hoặc “sờ, nắn, gõ, nghe” chữa bệnh, phòng bệnh cho bệnh nhân. Vậy mà bây giờ tuyển vào trường Y với số điểm thấp thì sẽ ra sao? Khi trình độ phổ thông của anh thấp hoặc vừa vừa thì anh không học nổi đâu.
Hoặc trường hợp thứ hai là thầy cô nâng đỡ chiếu cố. Bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi đã gặp phải tình trạng đấy rồi. Mình giảng mà sinh viên không nghe, chán lắm. Còn giảng cho những trò giỏi rất sướng. Các bạn ấy hỏi những điều khó mà mình giải đáp được thì rất vui hoặc chưa giải đáp được thì “khất” sinh viên, mình về tìm hiểu thêm, cái đó mới hay. Thầy dạy trò và thầy cũng học được ở trò.
Nên hiểu đặc thù trường y có một phương pháp giảng dạy rất hay là chỉ giảng những cái chính, cái chủ yếu thôi còn lại sinh viên phải tự đọc sách. Nếu chỉ sách giáo khoa không thôi thì ra nghề sẽ có nhiều lỗ hổng về kiến thức.
Trân trọng cảm ơn GS!