Nếu có hành vi găm hàng, chờ lên giá để trục lợi, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, các cửa hàng xăng dầu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua, tại một số địa phương diễn ra tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh; gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Nguyên nhân là do nguồn cung đầu vào bị thiếu hoặc cũng có khả năng một số cửa hàng găm hàng để chờ xăng lên giá nhằm trục lợi.
Nói về hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu đầu cơ, tích trữ, bán cầm chừng... khiến cho thị trường trở nên bất ổn, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết: Theo cách hiểu phổ thông, "găm" xăng dầu có thể hiểu là khi các cây xăng đồng loạt đóng cửa sớm, đóng cửa không bán, số khác bán cầm chừng, nhỏ giọt. Hay nhiều cửa hàng còn xăng dầu nhưng tích trữ không bán cho người dân và có dấu hiệu giữ hàng chờ tăng giá.
Theo Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có thể hiểu, hành vi găm hàng bao gồm: Cắt giảm địa điểm bán hàng; Cắt giảm phương thức khác với thời gian trước đó; Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó; Quy định, niêm yết hay bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; Cắt giảm lượng hàng hóa; Ngừng bán hàng hóa ra thị trường; Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.
Tóm lại, hành vi tích trữ xăng dầu trước mỗi kỳ xăng dầu điều chỉnh giá với mong chờ giá xăng tăng, bán được nhiều tiền hơn là hành vi thuộc trường hợp "găm" hàng hóa không có lý do chính đáng và vi phạm pháp luật.
Đối với hành vi "găm" hàng, chờ lên giá để trục lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi này có thể bị tước giấy phép kinh doanh theo quy định tại công văn số 1155/BCT-TTTN.
Cụ thể, theo luật sư Lực, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Về xử phạt vi phạm hành chính, theo Khoản 4 Điều 35 của Nghị định 99/2020, cá nhân, tổ chức có hành vi đầu cơ, tích trữ, bán cầm chừng xăng dầu có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu thuộc một trong các trường hợp găm hàng ở trên.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu như hiện tượng đầu cơ, tích trữ, bán cầm chừng xăng dầu khiến cho thị trường trở nên bất ổn thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khoản 1 Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội Đầu cơ: "Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính" sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù.
Theo đó, tuỳ giá trị lượng xăng dầu bị găm (tối thiểu từ 500 triệu đồng) hoặc số tiền thu lợi bất chính (tối thiểu từ 100 triệu đồng) mà cá nhân phạm tội sẽ phải đối diện với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến tối đa 5 tỷ đồng và mức phạt tù từ 6 tháng đến tối đa là 15 năm.
Đồng thời, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại mà vi phạm, sẽ bị phạt tiền đến tối đa 9 tỷ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn trong thời hạn từ 1-3 năm.
Ngày 2/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 1039/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.
Chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống…
Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm cung cấp kịp thời, khách quan, trung thực các thông tin liên quan đến xăng dầu, phản ánh tổng thể tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.