Dù mới đầu mùa mưa, chưa phải đỉnh điểm của mưa lũ (tháng 7 hàng năm), thế nhưng một số vụ sạt lở bờ sông trên địa bàn các huyện Nhà Bè, Q Thủ Đức, Q12, huyện Cần Giờ thời gian gần đây đang đặt ra cảnh báo đối với công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu vực bị sạt lở tại huyện Nhà Bè, TP HCM.
Theo UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, vụ sạt lở gần nhất tại khu vực đường Nguyễn Văn Lương có điểm sâu đến 7m, dài khoảng 40m, rộng từ 2-6cm và ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ dân.
Điểm lún sụt sâu hơn so với cốt nền chung của lòng rạch Tôm thuộc khu vực hẻm 1740, ấp 4 xã Nhơn Đức. UBND xã đã chỉ đạo các lực lượng vận động và bố trí di dời khẩn cấp đối với 8 hộ dân, gồm hơn 30 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ sạt lở nói trên.
Ông Nguyễn Thanh Thoản, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức cho biết, các hộ dân đã được di dời đến điểm an toàn tại trường THCS Lê Văn Lương 2 thuộc địa phận xã, đồng thời mỗi hộ được hỗ trợ tạm thời là 1,5 triệu đồng.
Huyện Nhà Bè cũng có có 3 điểm, khu vực sạt lở được cảnh báo nguy hiểm, đã được UBND TP cấp kinh phí để xây dựng bờ kè. Trong số này, các điểm sạt lở tại khu vực bến Trâm Bàu, xã Hiệp Phước và bờ trái Rạch Dơi của sông Kinh, xã Long Thới do UBND huyện Nhà Bè làm chủ đầu tư xây dựng dự án chống sạt lở, tuy nhiên tiến độ rất chậm chạp.
Riêng dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư di dời sạt lở trên địa bàn huyện Nhà Bè (khu 2 ha tại xã Phước Lộc, khu 1 ha và 1,9 ha tại xã Hiệp Phước) với tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng đang được chính quyền huyện Nhà Bè gấp rút thực hiện để đảm bảo tiến độ di dời dân khỏi các khu vực sạt lở nguy hiểm.
Theo Sở GT-VT TP HCM, năm 2016 trên địa bàn thành phố ghi nhận 7 vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch, gây thiệt hại về tài sản, rất may chưa có thiệt hại về người. Tính trên toàn địa bàn thành phố đến nay còn hơn 40 vị trí sạt lở, với các vị trí sạt lở nguy hiểm được cảnh báo ở mức độ cao và được thành phố ưu tiên ngân sách cho triển khai xây dựng nhanh chóng các dự án chống sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân.
Riêng trong năm 2017 thành phố dự kiến ngân sách triển khai 6 dự án chống sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bần, trong đó có 4 dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa (đoạn 1.4, từ hạ lưu cầu Kinh đến bờ kè Công Đoàn); dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) đoạn 2; dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa- đoạn 4 (sông Sài Gòn) và dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa đoạn 3, khu vực Bình Quối, Cây Bàng và rạch Chùa).
Theo phương án quy hoạch bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, UBND TP cũng giao các Sở ngành liên quan xây dựng các khu tái định cư để di dời khoảng 1.210 hộ dân sống tại những khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở nguy hiểm, với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng.