Dạy con làm việc nhà là một hành trình khá gian nan, nhất là với trẻ ở đô thị. Việc đứa trẻ không từng biết đến vất vả càng không có cơ hội trải nghiệm các khó khăn trong cuộc sống và tự khẳng định mình.
Mới đây, chị bạn cùng cơ quan buồn bã chia sẻ: Con gái lớn của chị đã 13 tuổi nhưng ngoài việc học ra, cháu gần như không giúp mẹ được việc gì ở nhà. Đơn giản nhất là việc rửa bát, quyét nhà nếu không làm vỡ thì cũng chẳng sạch sẽ gì, và sợ nhất mỗi khi mẹ sai chạy ra chợ mua mớ ra hay lạng thịt… Còn cậu con trai 9 tuổi thì quần áo thay ra ở đâu, vứt luôn ở đấy, dày dép đi học về nhét vào bất cứ chỗ nào, để rồi mỗi sáng đi học lại phải mất đến 10 phút tìm giày dép… Chị bảo, khi con gái đầu vào học lớp 6, con trai út vào học lớp 2 chị đã nghĩ đến việc dạy con làm việc nhà, bắt đầu từ việc gấp quần áo. Tuy nhiên bọn chúng dường như không để tâm lắm đến sự hướng dẫn của cha mẹ. Chia sẻ của chị chính là hình ảnh thường thấy ở nhiều gia đình.
ThS tâm lý Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, nhiều phụ huynh đã tìm đến chị vì… hết cách với con. Có những đứa trẻ, theo phản ánh của phụ huynh, học lớp 7 mà không biết tự làm bất kỳ một việc gì trong nhà. Ngay cả việc đơn giản như cắm cơm, phơi đồ hay cầm dao cắt quả táo ra đĩa con cũng không làm được. Ngoài thời gian đến trường, con chỉ biết ngủ, đến bữa thì cô giúp việc gọi xuống ăn cơm, ăn xong lại chơi điện tử. Việc tối thiểu như gấp chăn khi thức dậy hay tự dọn phòng của bản thân cũng không biết làm nốt.
Hiện nay nhiều gia đình có điều kiện sống ở các thành phố lớn còn cung phụng cho con một cách “thừa thãi” về mặt vật chất, sẵn sàng đáp ứng tất cả các nhu cầu của con mà con không phải làm bất cứ việc gì. Con đi siêu thị thích lego bố mẹ lập tức mua lego, con thích ô tô điều khiển bố mẹ lập tức mua ngay… Có những đứa trẻ hàng tủ đồ chơi nhưng chỉ chơi 1-2 ngày lại chán và vứt xó.
ThS Nguyễn Phương Anh phân tích: Ngày bé, bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất cũng không để con phải động tay vào mà bố mẹ làm hết. Như vậy, những đứa trẻ này đã không có cơ hội để lớn lên, để trưởng thành và được là chính bản thân mình.
Thực tế cuộc sống cho thấy, chính những điều này đã vô tình làm hại con. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng dành càng nhiều sự chăm sóc cho con càng tốt, khiến một số em khi lớn lên thường yếu đuối, sống phụ thuộc. Chúng không tự mình đưa ra quyết định về bất cứ vấn đề gì. Khi ở nhà, các em thường đưa ra quá nhiều đòi hỏi, yêu sách. Ở trường, lại tỏ ra nhút nhát, chẳng dám giơ tay phát biểu, sợ bạn bè chê cười ...
Dạy con làm việc nhà là một hành trình khá gian nan, nhất là với trẻ ở đô thị. Việc đứa trẻ không từng biết đến vất vả càng không có cơ hội trải nghiệm các khó khăn trong cuộc sống và tự khẳng định mình.