Giáo dục

Dạy học tích hợp: Giáo viên đóng vai trò chủ đạo

Thu Hương 18/11/2023 11:31

Sau 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên vẫn còn nhiều loay hoay khi dạy môn tích hợp ở khối THCS. Trong khi đó, đội ngũ sinh viên ngành sư phạm được đào tạo bài bản, chính quy môn tích hợp từ các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng theo yêu cầu của nội dung mới vẫn còn thiếu hụt nhiều.

anh-bai-duoi.png
Một tiết học môn Khoa học tự nhiên tại trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Hàn Minh.

Chỉ 4% giáo viên rất tự tin giảng dạy môn tích hợp là kết quả thu được từ một khảo sát mới đây của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Trên thực tế, trước khi giảng dạy môn học này, giáo viên đều đã tham gia tập huấn, bồi dưỡng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) việc đào tạo này ở nhiều nơi mới dừng ở mức khai vỡ, còn đào tạo "thực chiến" vẫn hạn chế dẫn đến giáo viên gặp lúng túng khi triển khai. Ngược lại, có một số giáo viên sau khi được bồi dưỡng và tự rèn luyện tích cực, khi trở về trường lại không có điều kiện để giảng dạy trong thực tiễn vì các điều kiện khác nhau.

Vì vậy, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhìn nhận, cần gỡ những nút thắt này từ phía cơ quan quản lý, ban giám hiệu và chính bản thân giáo viên. Trong đó, điều kiện về cơ sở vật chất cần phải được các cấp chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện, các địa phương tổ chức nhiều khóa tập huấn thực chiến để giáo viên học hỏi, trao đổi từ đồng nghiệp…

Yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học đào tạo khối ngành sư phạm đó là cần phải có sự thay đổi trong chương trình đào tạo phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. TS Phạm Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Sư phạm, Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết hiện nay môn tích hợp vẫn chưa có chương trình đào tạo chính quy cụ thể nên chỉ có thể lồng ghép phần nào trong các giờ dạy cho sinh viên. Đây được xem là giải pháp tình thế để khắc phục nhưng trong thời gian tới chắc chắn phải tính đến việc mở ngành mới để thực sự bám sát được yêu cầu của môn học.

Mùa tuyển sinh 2023-2024, chỉ một số rất ít các trường đại học trên cả nước có tuyển sinh các ngành sư phạm liên quan đến môn tích hợp như Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân,… Tuy nhiên, với chỉ tiêu hạn chế và số sinh viên này cũng phải sau 4 năm nữa mới tốt nghiệp, trực tiếp tham gia giảng dạy ở các trường THCS nên đến nay chưa có sự bổ sung đội ngũ mới dù đã có môn học mới. Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng chỉ ra, công tác đào tạo giáo viên dạy các môn học tích hợp và môn học mới triển khai còn chậm, tính dự báo và kế hoạch không cao.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, kể từ khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành và đi vào triển khai trên thực tế, mới có căn cứ cần phải có giáo viên dạy môn tích hợp và các trường sư phạm cũng mới có căn cứ để triển khai chương trình đào tạo và mới có thể tuyển sinh. Bộ trưởng cũng kỳ vọng những sinh viên đầu tiên đào tạo theo hướng dạy học tích hợp sẽ ra trường vào năm 2024, vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước.

Dẫu vậy, vị tư lệnh ngành giáo dục cũng thẳng thắn chỉ ra, để đổi mới giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, không phải bắt đầu bằng một đội ngũ giáo viên hoàn toàn mới mà phải bắt đầu từ lực lượng đã và đang được tập huấn, hỗ trợ, những giáo viên năng động, tích cực tham gia tập huấn và tích cực trong thực tế, nhiều người đã thích ứng được với các môn tích hợp.

Chia sẻ quan điểm này, PGS. TS Chu Cẩm Thơ cũng đồng ý rằng không thể chỉ đợi chờ những giáo viên tốt nghiệp ở các trường sư phạm để giảng dạy môn tích hợp mà với đội ngũ giáo viên hiện có cũng cần có giải pháp để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cụ thể, ông Thơ nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng năng lực giảng dạy môn tích hợp. Bởi, kiến thức ở THCS không phải kiến thức quá chuyên ngành đến mức các thầy cô không thể thực hiện. Vấn là cần phải phân định lại mức độ các trường học tiến tới việc dạy tích hợp. Có thể bắt đầu với việc thực hiện các dự án học tập, theo chủ đề của các bài học khớp lại với nhau… thay vì tất cả các giờ học đều phải dạy từng đơn môn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy học tích hợp: Giáo viên đóng vai trò chủ đạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO