Hiện trong chương trình giáo dục phổ thông bậc THCS, các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt. Nhưng từ năm học 2021- 2022, các môn học này sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý.
Nhiều lo lắng
Theo cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Phượng (Hoài Đức, Hà Nội) mỗi giáo viên có một chuyên môn và thế mạnh. Ví dụ giáo viên Hóa học có thể biết về Vật lý, Sinh học, nhưng không thể chuyên sâu, tương tự giáo viên dạy Sinh học thì khó có thể dạy cả Vật lý, Hóa học. Đa phần những giáo viên ở thế hệ trước chỉ được đào tạo 1 chuyên ngành cụ thể, nên khi áp dụng vào chương trình mới chắc chắn thầy cô sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều thầy cô giáo. Một số thầy cô cho biết, ngày trước học khối A, nên có thể dạy được cả môn Lý, Hóa, thế nhưng giờ dạy thêm môn Sinh thì cần phải có thời gian trau dồi. Mặc dù có các chương trình bồi dưỡng liên môn, nhưng việc tập huấn vài tuần, vài buổi là chưa đủ. Trong một sớm, một chiều giáo viên cũng chưa thể chủ động để nắm bắt hết kiến thức cũng như kỹ năng giảng dạy ở các lĩnh vực vốn lâu nay không phải là chuyên môn của mình.
Về vấn đề này, TS Đoàn Nguyệt Linh - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Sư phạm Ngữ văn và Khoa học xã hội (ĐH Giáo dục) cũng khẳng định, giai đoạn đầu chắc chắn rất khó khăn vì giáo viên chưa được trang bị kiến thức liên môn bài bản. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không nằm ở kiến thức, nội dung cụ thể, mà giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, trong khi để thay đổi các thầy cô cần có nhiều thời gian luyện tập.
Khẩn trương đào tạo đội ngũ
Theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018, trước khi áp dụng chương trình mới, giáo viên sẽ được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo. Tuy nhiên, thay đổi này cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu nhất định với các thầy cô trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh việc giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế, mang thực tiễn vào bài học.
PGS Mai Văn Hưng, Đại học Giáo dục lại cho rằng mặc dù các thầy cô của chúng ta được đào tạo đơn môn, nhưng quá trình đào tạo ở đại học đều được học kiến thức đại cương của các môn liên quan. Vì vậy khi chúng ta chuyển sang dạy tích hợp cũng không quá khó khăn. “Tôi tin rằng, nếu có chương trình bồi dưỡng tốt thì các giáo viên đơn môn chuyển sang dạy môn học tích hợp lại có rất nhiều thuận lợi” - Thầy Hưng cho biết.
Một điểm hay nữa trong việc tích hợp theo TS Đoàn Việt Linh là giảm tải các kiến thức thực sự không cần thiết để tăng lượng kiến thức hữu ích hơn đối với cuộc sống của các em. Với sự nỗ lực, chịu khó học hỏi, tìm tòi nghiên cứu các thầy cô có thể vượt qua về mặt chuyên môn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất theo TS Linh không nằm ở nội dung mà nằm ở phương pháp dạy học. Khi dạy môn tích hợp đòi hỏi giáo viên phải có năng lực tổ chức để đảm bảo tính linh hoạt, tính thực tiễn, khả năng vận dụng và đáp ứng được nhu cầu phát triển năng lực của người học. Nhưng để đạt được như vậy đòi hỏi thời gian tập huấn cần nhuần nhuyễn, bài bản hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều địa phương, tất cả giáo viên được phân công giảng dạy lớp 6 năm học 2021 - 2022 đều được tập huấn giới thiệu sách giáo khoa lớp 6; tham gia đầy đủ hoạt động tập huấn trực tiếp, trực tuyến về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ/sở/phòng GDĐT tổ chức…
Tuy nhiên, về lâu về dài có thể nói các trường đang cần đội ngũ giáo viên trẻ, chuyên nghiệp, được đào tạo một cách bài bản để triển khai tốt chương trình Giáo dục phổ thông mới. Được biết, thời gian tới các trường sư phạm cũng sẽ được giao nhiệm vụ mở mã ngành mới là đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp.