Từ tháng 1 đến tháng 5/2023 sẽ triển khai trên toàn quốc mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” tại các bảo tàng cấp tỉnh. Đây là một trong những nội dung của Quyết định 2752/QÐ-BVHTTDL 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt nhằm triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa.
Công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa nhằm mục đích giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Học lịch sử qua các tiết học ngoài nhà trường cũng giúp đẩy mạnh tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực con người - yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh việc triển khai 2 mô hình là “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” tại tất cả các bảo tàng cấp tỉnh còn triển khai thí điểm mô hình “Giờ học lịch sử online” tại một số bảo tàng cấp tỉnh, thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2023, áp dụng tại một số bảo tàng cấp tỉnh có đủ điều kiện cả về nhân lực và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.
Kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa bước vào năm đầu tiên 2022-2023 phù hợp với định hướng chung đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đi đôi với chương trình giáo dục hiện hành; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành Giáo dục và Đào tạo.
Trên thực tế, việc dạy học ở bảo tàng lịch sử không phải đến bây giờ mà đã được nhiều trường triển khai trong thời gian qua và thu được những kết quả đáng khích lệ khi tạo hứng thú rõ ràng hơn cho học sinh. Bà Mạc Thị Thanh Bình - giáo viên chủ nhiệm lớp 6K2, Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) cho hay, cuối tháng 10 vừa qua, bà và học sinh của mình đã có buổi trải nghiệm, học hỏi rất ý nghĩa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với chương trình “Giờ học Lịch sử”. Thông qua những hiện vật, câu chuyện lịch sử, tư liệu hình ảnh, thước phim tư liệu... sinh động, góp phần bổ trợ kiến thức lịch sử trong chương trình học của học sinh, giúp học sinh hào hứng và yêu thích hơn bộ môn Lịch sử. “Chương trình mỗi buổi học diễn ra trong khoảng 150 phút bao gồm các hoạt động với hình thức “học mà chơi, chơi mà học” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, như: Tham quan hệ thống trưng bày, tham gia trò chơi trí tuệ: “Ai nhanh ai đúng”, tham gia trò chơi vận động: “Trợ giúp Mai An Tiêm” … được học sinh hào hứng tham gia” - bà Bình cho biết.
Em Nguyễn Ngọc Diệp (học sinh lớp 7A2 Trường THCS Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, mùa hè vừa qua mẹ đã đưa em đi tham quan một số bảo tàng của Hà Nội, như Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, nhà tù Hỏa Lò… “Em có một cuốn sổ ghi chép lại tất cả những cảm xúc, thông tin học hỏi được từ những chuyến đi này và đặt mục tiêu cứ vào những ngày cuối tuần sẽ bổ sung thêm vào danh sách những địa điểm mới. Nếu sắp tới được đến bảo tàng cùng với bạn bè, cô giáo thì chắc chắn những chuyến đi sẽ càng ý nghĩa hơn” – Diệp nói.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: Từ năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19, Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng chương trình học lịch sử online và tiến hành thử nghiệm cho một số trường trên địa bàn Hà Nội. Đầu năm 2020, dịch bệnh bùng phát, Bảo tàng từng bước chuyển hướng các chương trình giáo dục sang hình thức học trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom. Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet có thể tham gia lớp học.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, Bảo tàng đã tổ chức được gần 300 buổi học với hàng nghìn học sinh tham gia, trong đó có cả học sinh Việt Nam sinh sống tại nước ngoài. Với kinh nghiệm và thành công bước đầu, các cán bộ giáo dục của Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục mới, sử dụng có hiệu quả ứng dụng công nghệ, đồng thời luôn cập nhật, nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức giáo dục. Đây cũng là những kinh nghiệm để các bảo tàng trên cả nước triển khai mô hình học tập hiệu quả này, làm tăng sự hấp dẫn, đổi mới phương pháp dạy học môn học Lịch sử để học sinh thêm yêu lịch sử nước nhà.