Sáng 26/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết về mục tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin.
Theo bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Mục tiêu tổng quát của chương trình là: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS, miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.
Đồng thời, giảm dân số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe về một số chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021-2025; nội dung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Qua trao đổi, thảo luận, các ý kiến nhấn mạnh, các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và công tác huy động nguồn lực đóng góp cho công tác giảm nghèo bền vững; tình hình thực hiện giảm nghèo đa chiều trên các lĩnh vực; những kinh nghiệm trong sản xuất, gương điển hình về giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, các cơ quan báo chí phổ biến, định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, bình đẳng giới; về quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; trong đó, ưu tiên công tác thông tin, tuyên truyền đến khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Nội dung tuyên truyền được thực hiện trên báo chí, xuất bản phẩm. Thông tin, tuyên truyền qua các hình thức: Sân khấu hóa; tại các buổi sinh hoạt cộng đồng về công tác giảm nghèo; tổ chức nói chuyện chuyên đề, phổ biến cho hộ nghèo về chính sách giảm nghèo; tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; phát động các cuộc thi về thông tin, tuyên truyền trên báo chí và các hình thức khác về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.