Ngày 26/11, tại thành phố Gwangju, cách thủ đô Seoul khoảng 300 km về phía Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với lao động Việt Nam tại thành phố này và khu vực lân cận để tư vấn pháp luật và vận động họ về nước đúng thời hạn.
Tham tán Công sứ Trần Anh Vũ (thứ 8, bên trái) tặng giây khen cho các công ty Hàn Quốc và lao động tiêu biểu. (Ảnh: Cơ quan thường trú tại Hàn Quốc).
Phát biểu tại sự kiện này, Tham tán Công sứ, Phó Đại sứ Trần Anh Vũ nêu rõ lao động là lĩnh vực hợp tác quan trọng và đạt được nhiều kết quả giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua. Các cơ quan chức năng của hai nước đã áp dụng nhiều biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Nhiều người sau khi kết thúc hợp đồng đã trở về nước và lập nghiệp với tay nghề, vốn liếng và cách làm việc mà họ đã tiếp thu được trong quá trình làm việc tại đây.
Ông Trần Anh Vũ kêu gọi người lao động Việt Nam chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của nước sở tại và của Việt Nam, tuân thủ đúng hợp đồng lao động, về nước đúng thời hạn, qua đó tạo điều kiện cho những người cũng có mong muốn sang Hàn Quốc làm việc trong thời gian tới.
Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam, ông Trần Anh Vũ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan chính quyền thành phố Gwangju và các cơ quan, tổ chức phụ trách lao động của Hàn Quốc trong việc bảo đảm quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc và cuộc sống của người lao động Việt Nam tại đây.
Đại diện các cơ quan chính quyền địa phương đánh giá cao những đóng góp to lớn của người lao động Việt Nam cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Gwangju nói riêng và của Hàn Quốc nói chung trong thời gian qua.
Theo các chủ sử dụng lao động, sự thông minh, cần cù và khả năng thích ứng cao với yêu cầu của công việc và cuộc sống tại Hàn Quốc của lao động Việt Nam là những điểm nổi bật khiến họ có xu hướng ưu tiên lựa chọn thuê lao động Việt Nam trong số các lao động người nước ngoài.
Tuy nhiên, giới chức địa phương cũng nhấn mạnh rằng việc người lao động tự ý ở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng là trái với pháp luật của nước sở tại và ảnh hưởng đến những người lao động khác, đồng thời nêu rõ rằng chỉ khi nào họ trở về theo đúng thời gian quy định thì việc này của họ mới giúp ích cho bản thân họ và cho đất nước. Đại diện chính quyền địa phương còn thông báo các lực lượng chức năng đang tiến hành nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn người lao động bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo cái giá phải trả cho việc bị bắt giữ sẽ là rất lớn.
Toàn cảnh buổi giap lưu. (Ảnh: Cơ quan thường trú tại Hàn Quốc).
Trong phần giao lưu với người lao động, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Lê Mạnh Hùng chỉ ra rằng những lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước đúng hạn có nhiều điều kiện thuận lợi để quay trở lại làm việc tại Hàn Quốc nếu có nguyện vọng, nhiều lao động về nước đã tự gây dựng sự nghiệp cho riêng mình như mở công ty, làm việc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam với thu nhập cao nhờ kinh nghiệm làm việc và khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn.
Đại diện của cơ quan chức năng Việt Nam nêu rõ rằng để giúp đỡ người lao động Việt Nam từ Hàn Quốc trở về, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các cơ quan của Hàn Quốc và các địa phương của Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động. Ông Lê Mạnh Hùng kết luận việc trở về đúng thời hạn có một ý nghĩa lớn lao không chỉ về mặt vật chất cho người lao động mà còn là một tiền đề cho sự hợp tác giữa nước trong lĩnh vực này.
Tại buổi tư vấn, nhiều người lao động nêu các câu hỏi cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ khi về nước đúng hạn. Họ tìm hiểu kỹ về cơ hội được quay trở lại làm việc tại Hàn Quốc và khả năng tìm việc làm tại Việt Nam, cũng như đề nghị giải đáp thắc mắc về những vụ việc pháp lý mà họ gặp phải trong cuộc sống và công việc tại Hàn Quốc. Đại diện của các cơ quan chức năng Việt Nam và Hàn Quốc đã lần lượt giải đáp thấu đáo và chi tiết từng thắc mắc của người lao động.
Ban tổ chức sự kiện cũng dành một thời gian đáng kể cho phần thi tìm hiểu pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người lao động tại Hàn Quốc, thu hút sự tham gia hào hứng của rất đông người lao động. Các lao động Việt Nam đã khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện hợp đồng lao động, về nước đúng thời hạn sau khi kết thúc hợp đồng.
Ở Hàn Quốc có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc và trong số này có khoảng 16.000 người tự ý ở lại sau khi hết hạn hợp đồng - một tỷ lệ đáng kể trong số các quốc gia phái cử lao động đến làm việc tại Hàn Quốc và cơ quan chức năng của hai nước đang nỗ lực tìm cách giảm mạnh tỷ lệ này trong thời gian tới.
Tại thành phố Gwangju và khu vực lân cận hiện có khoảng 3.000 lao động Việt Nam đang làm việc, chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo máy móc.
Buổi giao lưu là lần thứ hai trong năm nay các cơ quan hữu quan của Việt Nam tiến hành với quy mô lớn. Sự kiện đầu tiên được tiến hành vào giữa tháng Bảy năm nay tại thành phố Incheon, cách thủ đô Seoul khoảng 70km về phía Tây.