Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

H.Vũ 14/10/2023 07:00

Ngày 13/10, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Quang cảnh phiên họp.

Đề xuất cho phép kéo dài thời hạn giải ngân

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu đến ngày 31/8/2023 kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài khoảng 6.225,657 tỷ đồng, đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 năm 2023 khoảng 19.158,763 tỷ đồng, đạt 79,82% kế hoạch năm 2022).

Đối với kế hoạch năm 2023, kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân được khoảng 10.139,674 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch. Đặc biệt, nếu tính tổng vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đến 31/8/2023, kết quả giải ngân đạt khoảng 16.365,331 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 để đảm bảo đủ nguồn lực cho các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động của các chương trình ngay sau khi được Quốc hội cho phép thực hiện 6 giải pháp về thể chế.

Trước những đề xuất của Chính phủ, thay mặt đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đoàn giám sát cho rằng việc chậm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia có nguyên nhân từ việc chậm phân bổ vốn (đến tháng 5/2022) và chậm ban hành văn bản hướng dẫn. Do đó đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết đến năm 2023 (bao gồm cả ngân sách năm 2022, 2023) sang đến tháng 10/2024.

Tránh giải ngân ồ ạt không đạt hiệu quả

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu quan điểm, cần đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, giao vốn cho địa phương chịu trách nhiệm lồng ghép, chú ý cân bằng giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư. Ông Hải đánh giá rằng: “Bởi hiện nay chúng ta vẫn quản lý Chương trình này theo hướng rất chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện”.

“Nên thay đổi cách tiếp cận theo hướng giảm thiểu, làm gọn nhẹ các thủ tục để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, chỉ đưa ra những hướng dẫn, định hướng chung, không nên siết chặt quản lý quá chặt chẽ” - ông Hải bày tỏ quan điểm.

Ủng hộ việc cần có biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy kết quả tích cực của các Chương trình đối với sự nghiệp giảm nghèo, bảo đảm đời sống người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, thực tế cho thấy việc ủy thác các nguồn vốn ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng thương mại đã phát huy được rất nhiều tích cực, tạo sự chủ động và linh hoạt cho địa phương, cho người dân trong việc thực hiện.

Dẫn chứng trong thời gian qua đã thí điểm cho phép áp dụng tại TPHCM, ông Mạnh nêu quan điểm, nên cho phép ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là đối với nguồn vốn cân đối của các địa phương. Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư và sự nghiệp của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến hết năm 2024.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, tiến độ giải ngân của các chương trình mục tiêu quốc gia đang ở mức thấp so với mặt bằng chung. Do đó cần nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện. “Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân cần nâng cao chất lượng của các công việc, tránh trường hợp giải ngân ồ ạt không đạt được hiệu quả, chất lượng như mục tiêu đã đề ra. Nếu giải ngân không có “van”, có “khóa”, không có kiểm tra, giám sát thì không đảm bảo phân bổ đúng mục đích, dễ dẫn đến thất thoát, tiêu cực, lãng phí. Vì vậy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả đầu tư”- ông Thanh kiến nghị.

Giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm là vấn đề trăn trở. Song theo ông Quang, không chỉ tỷ lệ giải ngân mà chất lượng các dự án đầu tư phải tốt. Do đó mong muốn các ĐBQH cùng đồng hành với Chính phủ có thể giải quyết tốt vấn đề này.

“Hiện nay còn vướng cả những quy định, nghị định và thông tư. Nếu vốn sự nghiệp được tháo gỡ thì cơ bản hành lang pháp lý được tạo điều kiện thuận lợi và việc hướng dẫn triển khai được thực hiện tốt hơn” - ông Quang nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với 6 chính sách có tính đặc thù mà Chính phủ đề nghị để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, báo cáo đánh giá tác động, nêu một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để thực hiện các cơ chế này gửi Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO