Những điểm mới trong Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GDĐT vừa công bố được đánh giá là “cởi trói” cho giáo viên trong việc dạy thêm.
Không cấm nhu cầu chính đáng
Bộ GDĐT đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đến ngày 22/10. Khi có hiệu lực, thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GDĐT ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.
So với thông tư hiện hành, dự thảo có nhiều điểm mới thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Trong đó, đáng chú ý về quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Dự thảo thông tư quy định: Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với hiệu trưởng việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận.
Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức, thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.
Dự thảo cũng đưa ra quy định mới về việc phải công khai khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Cụ thể: Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.
Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.
Như vậy, dự thảo thông tư không cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình khi học sinh và phụ huynh thực sự có nhu cầu. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, khi xây dựng dự thảo này, điều quan trọng hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Cần quản lý minh bạch, chặt chẽ
Học thêm trên thực tế xuất phát từ nhu cầu của nhiều học sinh tuy nhiên ở một số nơi, việc dạy thêm bị biến tướng, trở thành gánh nặng của nhiều gia đình. Nhất là sau thời gian chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, việc dạy thêm, học thêm vẫn khó có thể hạn chế được.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Trần Thị Tố Trinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba (quận Ba Đình) bày tỏ quan điểm đồng tình với những điểm mới trong Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GDĐT vừa công bố.
Theo bà Trinh, một số ngành nghề khác, người lao động đều được quyền làm thêm, như bác sĩ có quyền được mở phòng khám tư, nhưng nghề giáo lại không được dạy thêm, trong khi nhu cầu của phụ huynh là có. “Nếu chúng ta “cởi trói” về quy định này và có biện pháp quản lý minh bạch, chặt chẽ thì sẽ hạn chế được các hành vi tiêu cực so với hiện nay”, bà Trinh nêu quan điểm.
Về dạy thêm, học thêm, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để học thêm thực sự phát huy hiệu quả, phụ huynh cần tỉnh táo để lựa chọn lớp học phù hợp cho con, tránh ghi danh vì nể nang. Muốn vậy, phụ huynh cần nói không với bệnh thành tích, chỉ cho con học thêm khi thực sự cần. Về phía nhà trường, cần làm tốt công tác quản lý nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên.
Hoan nghênh dự kiến của Bộ GDĐT, tuy nhiên TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, thực tế, việc dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu chạy theo việc trang bị kiến thức, trong khi mục tiêu của chương trình mới là giảm kiến thức hàn lâm, rèn phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Vì vậy, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc đặt ra quy định dạy thêm ở trường nên được cân nhắc kỹ. Với những học sinh không theo kịp chương trình, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo, có sự hỗ trợ từ ngân sách và không coi đây là dạy thêm, học thêm.
Bộ GDĐT cũng cần nghiên cứu phương án tuyển sinh vào các trường chuyên, hạn chế sự lệ thuộc vào thi cử, điểm số, từ đó sẽ giảm áp lực cho học sinh, hạn chế được những bất cập, bức xúc.