Dạy tích hợp theo chương trình mới: Cân nhắc điều chỉnh không xáo trộn, gây sốc

Nguyễn Hoài 15/08/2023 14:48

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc.

Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GDĐT và gần 1 triệu nhà giáo sáng 15/8, nhiều giáo viên phổ thông chia sẻ những ý kiến trong việc dạy học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Nhiều bất cập trong dạy học tích hợp

Cô Hoàng Hải Vân, Giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS cho thấy, đây là điều kiện để giáo viên tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng gặp những khó khăn nhất định. Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả.

Cô Hoàng Hải Vân, Giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Nha Trang, Khánh Hòa) phát biểu tại sự kiện.

Đại diện cho các thầy giáo, cô giáo của tỉnh Khánh Hòa, cô Vân mong Bộ trưởng có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp.

Theo đó, việc yêu cầu giáo viên bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ chương trình nhưng không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn này. Cô Vân đề nghị Bộ trưởng quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ.

Ngoài ra, việc thực hiện nhiều bộ SGK, học sinh chọn tổ hợp môn như hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết, Chương trình GDPT 2108 cấp THCS yêu cầu dạy tích hợp các môn KHTN, Lịch sử và Địa lí, do đó các giáo viên được đào tạo đơn môn phải tham gia bồi dưỡng chương trình này để dạy được cả môn.

Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ tới Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn.

Việc bồi dưỡng theo khung chương trình ban hành theo Thông tư số 2454 và 2455 của Bộ cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên, cô Hoa cho rằng, để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp giúp giáo viên ngày càng hoàn thiện hơn, tự tin hơn và dạy học hiệu quả hơn.

Ngoài ra, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và SGK mới đối với cấp THPT theo lộ trình đến nay đã triển khai tới lớp 11. Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh đều chưa rõ phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học sẽ như thế nào.

Vì vậy, cô Thiều Hoa bày tỏ mong Bộ GDĐT sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, định hướng về kì thi tốt nghiệp THPT 2025 và tuyển sinh đại học để giáo viên được biết.

Cô Hoàng Thị Thu Hương, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hòa Bình (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cũng kiến nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT chỉ đạo các vụ liên quan có hướng dẫn sớm về việc xếp môn thi KHTN, Lịch sử và Địa lí thi theo bài thi đơn lẻ như môn học cũ (Vật lí, Hoá học, Sinh học; Lịch sử, Địa lí) hay thi theo nội dung của môn học tích hợp. Trong khi đó ở cấp THPT không có các môn học tích hợp này.

Xem xét điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà giáo tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình GDPT 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS.

“Đây là điểm mới trong Chương trình GDPT 2018. Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn.

Nhiều nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS.

Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trao đổi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho hay, dự kiến quý 4/2023, phương án thi sẽ được công bố.

Trong cuộc gặp gỡ gần 1 triệu nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GDĐT bày tỏ đôi điều mong đợi với nhà giáo. Trong đó, điểm thứ nhất là cần thực hiện thật tốt Chương trình GDPT 2018. Chương trình GDPT 2018 là một nhân tố mới rất quan trọng.

Bộ trưởng cho biết, khi nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng, đọc chương trình mới, ông ngạc nhiên là một chương trình mới, hiện đại như vậy mà mấy năm trước đã được thông qua các cấp và đưa vào thực tế.

Bộ trưởng nhìn nhận, đưa được chương trình vào triển khai thực tế là cơ hội của ngành. Chương trình rất nhiều cái mới, sự tiếp nhận của cái mới không mấy dễ dàng. Dù chương trình mới còn điểm này, điểm khác phải điều chỉnh, nhưng nhìn chung chương trình được đánh giá là mới, hiện đại, là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục; chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy tích hợp theo chương trình mới: Cân nhắc điều chỉnh không xáo trộn, gây sốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO