Trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” giảng nghĩa: “Dạy là: 1/ Truyền đạt lại tri thức hoặc kỹ năng một cách ít nhiều có hệ thống, có phương pháp.
Thí dụ: Dạy học sinh. Dạy toán. Dạy nghề cho người học việc. Dạy hát. Dạy khỉ làm xiếc. 2/ Làm cho biết điều phải trái, biết cách tu dưỡng và đối xử với người, với việc. Thí dụ: Nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
“Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng” (Nguyễn Du)”. “Dạy học là dạy để nâng cao trình độ văn hóa và phẩm chất đạo đức theo chương trình nhất định. Thí dụ: Làm nghề dạy học. Dạy bảo là bảo cho biết điều hay, lẽ phải cho nên người (nói khái quát). Thí dụ: Dạy bảo con cái. “Dạy dỗ là dạy bảo, khuyên răn một cách ân cần và dịu dàng (đối với tuổi nhỏ). Thí dụ: "Nuôi nấng và dạy dỗ con nên người”.
“Học là: 1/Thu nhận kiến thức, luyện tập kỹ năng do người khác truyền lại. Thí dụ: Học văn hóa. Học nghề. “Học ăn, học nói, học gói, học mở” (Tục ngữ). “Học thầy không tày học bạn” (Tục ngữ). 2/Đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm cho nhớ. Thí dụ: Học bài. Học thuộc lòng. Học hành là học văn hóa có thầy, có chương trình, có hướng dẫn (nói khái quát). Thí dụ: Chăm lo học hành. Được học hành đến nơi đến chốn. “Học tập là: 1/ Học và luyện tập để hiểu biết, để có kỹ năng. Thí dụ: Học tập văn hóa. Chăm chỉ học tập. 2/ Làm theo gương tốt. Thí dụ: Học tập các đơn vị bạn. Học tập tinh thần của các liệt sĩ”.
Tất cả mọi người đều hấp thụ được hai loại giáo dục. Một loại do người khác tạo ra. Còn một loại quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo cho mình.
Edward Gibbon
Qua đó ta đã có cái nhìn tổng quát nhất về việc dạy và việc học, ta lại tìm cách rút gọn hơn nữa là hướng vào hai nhân vật chính là: người thầy (dạy) và người trò (học).
Triết gia CH.Rivet đã viết: “Dạy cho một người là phải rèn luyện cho họ có thể đối đầu với mọi hoàn cảnh”. Quan niệm này của Rivet được đánh giá là tổng quát nhất, chung nhất và cao quý nhất đối với vai trò của người thầy. Tục ngữ Việt Nam có câu nổi tiếng: “Không thầy, đố mầy làm nên” đã nhắc nhở tất cả mọi người rằng: Hễ ai muốn được trưởng thành, muốn được tiến bộ thì đều phải nhờ có thầy. Người thầy càng giỏi, càng xuất sắc thì trò càng có lợi, càng gặp may mắn.
Tác giả A.Ward đã phân loại người thầy như sau: “Người thầy giỏi biết cách giải thích. Người thầy xuất chúng biết cách minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm”. Sống ở trên đời gặp được ông thầy tận tâm, yêu quý học trò như con mà hết lòng truyền nghề cho thì thật là đại phúc, thật là quá may mắn. Còn như cách phân loại của A.Ward có lẽ là muốn nói đến các ông thầy dạy về triết học, về tâm lý, về khoa học xã hội.
Bước vào thế kỷ XXI, do tốc độ phát triển về lý thuyết quá nhanh trong các ngành học, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, rô bốt hóa, tự động hóa, số hóa, thông tin mạng, các ngành khoa học 4.0 thì với một thời gian đào tạo có hạn, các cơ sở đào tạo phải bỏ qua nhiều phần lý thuyết mà phải dạy ngay thực hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, dạy bằng online, dạy bằng mô hình động... cốt sao phục vụ sản xuất và nghiên cứu được trong một thời gian ngắn nhất.
Nhà giáo dục học vĩ đại người Pháp, ông Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778) lại nhấn mạnh: “Khuynh hướng dạy học của tôi là không cần phải nhồi nhét nhiều thứ vào đầu những người học mà chỉ cần làm cho họ thấm thía hai điều: Những ý tưởng công bằng và những ý tưởng minh bạch”. Gần 300 năm đã trôi qua sau lời tuyên bố về giáo dục sâu sắc này của Rousseau, nhân loại lại càng kính trọng và biết ơn ông hơn về tính nhân đạo và khoa học mà ông đã nêu ra.
Ý tưởng công bằng và minh bạch trong nghiên cứu khoa học đều phải được quán triệt từ những công trình to lớn như khoa học vũ trụ, vật lý hạt nhân đến các công trình nghiên cứu về trồng trọt, chăn nuôi hay sản xuất thuốc chữa bệnh và vaccine phòng ngừa các loại bệnh dịch lan rộng trên toàn cầu. Nếu phòng thí nghiệm nào, nếu nhà khoa học nào từ chối dạy, học và sản xuất theo hướng không công bằng, không minh bạch thì lập tức sẽ phạm phải sai lầm, có khi dẫn đến tội ác. Vì thế công bằng và minh bạch phải được xem là đạo đức số 1 của giáo dục học, của dạy và học.
Nhà giáo dục học số một của nước Ý, ông Edmon de Amicis (1846 - 1908), tác giả bộ sách kinh điển của nhân loại là “Tâm hồn cao thượng”, có người dịch là “Những tấm lòng cao cả”, đã khẳng định: “Nơi nào mà người ta thấy sự thô tục ở ngoài đường phố thì chắc chắn có thể tìm thấy sự thô tục trong các gia đình”. Đây là quy luật muôn đời “trong gia đình, ngoài xã hội” mà Victor Hugo đã nêu ra. Điều này cũng có nghĩa là: việc dạy và học phải có cái gốc, cái cơ sở ở trong từng gia đình. Trong từng gia đình có tốt đẹp thì mới hy vọng có một đường phố, có một tập thể công cộng tốt đẹp được. Gia đình mãi mãi là tế bào, là gốc của mọi hình thái xã hội dù ở bất kỳ niên đại nào, ở bất kỳ thế kỷ nào, ở bất kỳ quốc gia nào.
Đoạn trên nói về việc dạy, nói về người thầy. Tiếp theo xin nói đến việc học là nói đến người trò.
Để dễ theo dõi phần “việc học”, nên nhớ kỹ hai nguyên tắc là “phải học suốt đời” và “tự học là chính”. Cả hai nguyên tắc này được chiếu sáng bởi một tinh thần là phải cần cù, chịu khó, vượt mọi gian khổ trong suốt cuộc đời thì mới mong có được kết quả học tốt, nghĩa là phải tuân theo khẩu hiệu: “Biển học là vô bờ, chỉ biết lấy sự cần cù làm bến”.
Về nguyên tắc thứ nhất là “phải học suốt đời” thì chỉ cần có một tính toán nhỏ là biết rõ ngay. Đa số mọi người học xong phổ thông lúc 18 tuổi, tốt nghiệp đại học lúc 22 - 25 tuổi. Như thế còn những 30 - 40 năm để làm việc và tiếp tục bổ sung những kiến thức mà ở phổ thông và đại học đã dạy rất hạn chế, chỉ dạy hết phần cơ bản chứ chưa mở rộng, chưa phát triển và đặc biệt là chưa thể cập nhật được với tình hình phát triển của các ngành khoa học và kỹ thuật.
Nhà giáo dục học kiêm nhà phát minh lớn là Waldo Emerson (1803 - 1882) đã khẳng định: “Những gì được dạy ở các trường phổ thông và đại học chỉ là những khái niệm của giáo dục mà thôi”, nên lẽ dĩ nhiên là phải bổ sung cho các khái niệm chưa đầy đủ đó. Ở nhiều nước tiên tiến các học sinh tự do có thể theo học Phổ thông, theo học Đại học và Sau đại học ở bất kỳ lứa tuổi nào miễn là làm đúng các quy định và vượt qua được các chứng chỉ do các trường đó đặt ra. Vừa qua trên truyền hình VTV1 đưa tin có vị trên 70 tuổi thi đỗ Trung học phổ thông, có vị trên 75 tuổi thi đỗ Thạc sĩ làm nức lòng tinh thần ham học, hiếu học của tất cả chúng ta.
Đối với nguyên tắc thứ hai là “tự học là chính” thì phải được coi đây là điều ghi nhớ trọn đời cho mỗi con người. Nhà giáo dục học Edward Gibbon (1737 - 1794) đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều hấp thụ được hai loại giáo dục. Một loại do người khác tạo ra. Còn một loại quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo cho mình”. Cái loại giáo dục quan trọng hơn nhiều mà Gibbon nhắc nhở chúng ta chính là: Tinh thần tự học, tự vươn lên, tự hoàn thiện kiến thức cho bản thân mỗi con người.
Có tác giả còn nói rõ rằng: “Trường đại học dạy ta lý thuyết cơ bản, còn trường đời dạy ta những kiến thức thực tế và các kỹ năng để thực hiện các kiến thức lý thuyết ấy”. Đối với người bác sĩ thì mỗi bệnh nhân, mỗi một trường hợp bệnh khác nhau, còn gọi là Y học cá thể, chính là một người thầy giỏi đã dạy thêm lâm sàng cho họ.
Chỉ nghe tiếng thở khó của đứa trẻ, người bác sĩ già ở phòng khám đã phân biệt được khó thở do viêm họng, do viêm phế quản, do viêm phổi hay do các giả mạc ở họng do bạch hầu gây nên. Nhờ kinh nghiệm thực tế quý báu này mà em bé được bác sĩ phòng khám chuyển đến đúng chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Việc tự học càng thấm thía ở các lứa tuổi khác nhau. Trước khi lấy vợ, lấy chồng nên theo học các lớp “tiền hôn nhân” để lường trước được những khó khăn sẽ gặp phải về thể chất, về bệnh tật, về tâm lý chung sống sau hôn nhân.
Hiện tại số gia đình trẻ ly thân, ly hôn ngày càng tăng, bắt buộc các cơ quan hữu quan phải lưu ý đến các lớp học trước khi xây dựng gia đình cho các bạn trẻ. Với các vị có tuổi, trên 65, trên 70, sau khi về hưu rất cần phải được theo học ở các lớp dạy dưỡng sinh, dạy Yoga, dạy về cách ăn uống hợp lý để tránh các sai lầm đáng tiếc trong cuộc sống lúc cuối đời.
Nói về “tự học là chính”, nên nhớ mãi lời dặn dò của tác giả Enoch Bennett (1867 - 1931): “Chỉ có những ai biết cách tự giáo dục mới là được hưởng lợi từ một nền giáo dục thực sự”!
Như vậy, rõ ràng việc “dạy” và “học” ngoài chương trình Phổ thông, chương trình Đại học, Sau đại học và các chương trình dạy nghề thì mỗi một công dân còn có nhiều cơ hội để được học, được đào tạo và tự đào tạo đặng trở thành những con người hoàn thiện có ích cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước.