TP HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã bàn bàn, thống nhất triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch năm 2022.
Sáng nay, 18/3 tại tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 và ký kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, đánh dấu việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Dự hội nghị có ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Bạc Liêu với vị trí địa lý chiến lược quan trọng, có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách trong và ngoài nước; địa bàn này còn nhiều dư địa để liên kết với TP HCM, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp, cũng như nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, tiếp tục tập trung phát triển và thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng với 8 dự án điện gió hoàn thành, đang hoạt động ổn định.
Trong đó, đối với lĩnh vực du lịch được tỉnh chú trọng đầu tư phát triển, phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10 ngàn tỷ đồng; chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế đã qua đòi hỏi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mạnh mẻ hơn nữa việc hợp tác để tăng hiệu quả liên kết và thu hút khách du lịch bằng việc cần tăng cường xây dựng sản phẩm liện tuyến giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đông bằng sông Cửu Long, các sản phẩm liên tuyến phải mới hơn và nhất là phải đảm bảo cho du khách an toàn với dịch Covid-19.
Các sản phẩm du lịch bằng đường thủy kết hợp đường bộ giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long; sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hóa, ẩm thực và trải nghiêm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ là lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo ra tính cạnh tranh của sản phẩm so với các vùng khác.
Theo bà Phan Thị Thắng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành cùng thực hiện nhất quán quy định của Bộ y tế và ban hành các quy định phòng chống dịch bệnh, các quy trình xử lý liên quan đến đến Covid-19 kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức tour tuyến và tạo sự an tâm, khuyến khích du khách đi du lịch..
Tại Hội nghị này, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã bàn bàn, thống nhất triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch năm 2022, ký kết Quy chế phối hợp thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2022.
Để việc liên kết hợp tác mang lại hiệu quả bền vững, sau sự kiện này, ngoài việc đánh giá những kết quả đạt được trong liên kết hợp tác phát triển du lich, tổ chức Diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long lần 2 năm 2021 tại Đồng Tháp; Tổ chức khảo sát, đánh giá, góp ý và đề xuất phát triển các chương trình du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long trên tuyến “Những nẻo đường phù sa” kết hợp tuyến “Sắc màu vùng biên”; Tổ chức Tọa đàm đánh giá, góp ý và đề xuất phát triển các chương trình du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Khơi nguồn dòng chảy Phương Nam”; Tổ chức Hội nghị giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022; Xây dựng và công bố trang tin điện tử (website) du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh triển khai xúc tiến các hoạt động quảng bá, ứng dụng triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng đã được công bố trong các hoạt động du lịch tại các địa phương; quảng bá du lịch vùng trên các kênh truyền thông của 14 địa phương cùng với các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là internet, vai trò mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông. Tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch…
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về việc mở cửa lại du lịch từ ngày 15/3, nhân Hội nghị này, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động “mở cửa trở lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”.
TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường, phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.