Dù mới thâm nhập vào Việt Nam, song mô hình kinh tế chia sẻ đang được nhiều doanh nghiệp (DN), người dân ủng hộ và đón nhận. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Chính phủ sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.
Mô hình kinh tế chia sẻ bắt đầu được ứng dụng mạnh.
Thúc đẩy kinh tế chia sẻ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 về việc phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Mục tiêu của Đề án đặt ra nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Quyết định nêu rõ, quản lý Nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý Nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.Tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Chính phủ sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.
Ở Việt Nam, dù mới phát triển nhưng kinh tế chia sẻ cũng nổi lên với 3 loại hình dịch vụ như vận tải trực tuyến Grab, Fastgo; dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ Airbnb, Travelmob, Laxstay, và cho vay ngang hàng P2P lending. Một số dịch vụ khác cũng bắt đầu xuất hiện như chia sẻ chỗ làm, gửi xe, chia sẻ nhân lực. Số người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng gia tăng cũng là một nhân tố để thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ phát triển nhanh chóng.
Tại Việt Nam 77% DN nhỏ trên Facebook cho biết sử dụng ứng dụng nền tảng này để tăng doanh số bán hàng và khoảng 76% DN nhỏ có thể tuyển dụng nhân viên thông qua ứng dụng Facebook. Và cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì 3 người khẳng định thích loại hình kinh tế này và 76% người cho biết sẵn sàng sử dụng các sản phẩm của nền kinh tế chia sẻ.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Nhận định về những mặt tích cực của loại hình kinh tế này, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú nêu quan điểm: Kinh tế chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho một phong trào kinh doanh mới, mở ra cơ hội dựa trên nền tảng số ứng dụng công nghệ 4.0. Thị trường sẽ cạnh tranh hơn, các loại hình dịch vụ sẽ đa dạng hơn, trước hết mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư cho người lao động. Bên cạnh đó, kinh tế chia sẻ còn làm tăng thu nhập, tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất những tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường , giảm các chi phí giao dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kinh tế chia sẻ đã tận dụng lợi thế của công nghệ để tiếp cận với số lượng lớn khách hàng và kéo chi phí xuống thấp hơn. Tuy nhiên vị chuyên gia cũng cảnh báo về những mặt trái của nền kinh tế chia sẻ, đó là: Muốn xây dựng nền kinh tế chia sẻ, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy, sòng phẳng, cùng trên một con thuyền, cùng gắn kết và có lòng tin lẫn nhau, chỉ cần một mắt xích không thực hiện đúng vai trò của mình thì toàn bộ hệ thống có thể bị sụp đổ. Bên cạnh đó, nhiều người chưa có tư duy chia sẻ, vẫn vì lợi ích cá nhân và cục bộ nhiều hơn, chưa lo lợi ích lâu dài.
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế chia sẻ và nên coi đó là cơ hội cho chúng ta tận dụng tham gia cuộc các mạng công nghiệp 4.0. “Cần phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thích nghi với đa dạng các mô hình kinh doanh linh hoạt và phát triển nhanh chóng trong nền kinh tế số” – bà Tuệ Anh nhấn mạnh.
Trở lại với Quyết định 999, giới chuyên gia kinh tế nhận định, tinh thần chung của đề án là tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi các bên, khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ số, tận dụng lợi thế công nghệ trong quản lý các hoạt động kinh tế chia sẻ - xu hướng tất yếu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.