Mới đây, tại thành phố Sơn La, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La tổ chức hội thảo khởi động Dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.
Dự án có kinh phí hơn 3 triệu đô la Úc (trương đương hơn 53 tỷ đồng) do Chính phủ Australia tài trợ sẽ được triển khai tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên và huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La từ năm 2018 đến 2022.
Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ những khó khăn, vướng mắc cũng như mong muốn được tiếp cận nhiều dịch vụ hơn nữa trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Tổ chức CARE tại Việt Nam cho biết: Để triển khai dự án, Tổ chức CARE tại Việt Nam cùng các đối tác địa phương sẽ hỗ trợ thành lập các nhóm cổ phần tài chính tự quản để thúc đẩy việc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau của người trồng cà phê. Đồng thời, dự án sẽ kết nối các bên khác nhau trong chuỗi cà phê để cải thiện liên kết giữa nông dân, công ty thu mua và chế biến cà phê, cán bộ khuyến nông... nhằm cải thiện chất lượng sản xuất, tăng sản lượng và thu hút thêm đầu tư cho ngành cà phê địa phương. Thông qua các hoạt động, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng nói chung sẽ được tiếp cận công nghệ, kỹ thuật canh tác phù hợp. Đồng thời, có cơ hội nhìn nhận lại các quan niệm, định kiến giới đang gây cản trở cho người phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc phát huy khả năng kinh tế và gia tăng tiếng nói của mình trong gia đình và cộng đồng.
Bà Lò Thị Phong, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn là một trong những phụ nữ dân tộc thiểu số, làm kinh tế giỏi cho hay: Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, không riêng gì nam giới làm mô hình sản xuất kinh doanh được, mà phụ nữ chúng tôi cũng muốn được tham gia làm kinh tế và được coi trọng ý kiến trong sản xuất. Đối với các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vẫn còn nhiều định kiến về giới đã ăn sâu vào văn hóa phong tục tập quán canh tác, làm suy yếu sự liên kết giữa phụ nữ dân tộc thiểu số với thị trường và các nhà cung cấp dịch vụ, khiến phụ nữ khó có tiếng nói chung và trọng lượng trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế. Thông qua chương trình CARE quốc tế tại Việt Nam, phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ rõ rệt, được tôn trọng và có quyền sáng tạo nghiên cứu trong sản xuất.
Bà Lò Thị Phong, chia sẻ: Gia đình trồng cà phê gần 10 năm, được Hội khuyến nông xã tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, nhưng gia đình gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá cả bấp bênh, thiếu vốn đầu tư và chưa biết tự hoạch toán. Ông Nguyễn Vĩnh Đức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến, chi nhánh tại Sơn La cho rằng, bà con trồng cà phê đang phải đối mặt với thời tiết rét và sương muối, việc trồng cây che tán để hạn chế sương muối vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, bà con tự chế biến rất nhiều, tự làm thì thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất… dẫn đến chất lượng cà phê kém. Do đó, việc hỗ trợ nông dân nói chung và phụ nữ nói riêng về kinh nghiệm sản xuất là rất cần thiết.
Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Tỉnh đã xác định cây cà phê Arabica là một trong những mặt hàng trọng điểm trong công tác xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống kinh tế người dân. Việc dự án ưu tiên hỗ trợ nông dân trồng cà phê theo hướng bền vững có vai trò quan trọng đối với việc cải thiện cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số.