Một thời, không ít cuốn sách khi nhắc tới nhà Nguyễn đều khinh khi, buông một câu phán “cõng rắn cắn gà nhà”. Thế nhưng, sự thực lịch sử vẫn luôn là sự thực. Triều Nguyễn vẫn có những vị vua sáng ngời lòng yêu nước. Ví như vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương. Và một trong những người đứng lên hưởng ứng Chiếu Cần Vương là Lê Trực.
Quê hương miền Trung
Lê Trực (1828-1918) còn có tên khác là Lê Vợn. Ông người quê thôn Chân Linh, làng Thanh Thuỷ, Tổng Thuận Lệ, Phủ Quảng Trạch, nay thuộc thôn Bàu 1, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Lê Trực là con thứ 5 trong một gia đình thuần nông.
Khi Lê Vợn được 5 tuổi, ông mồ côi cha. Vì nhà nghèo nên mẹ ông cho ông tới làm con nuôi cụ Lê Sức và bà Nguyễn Thị Hân. Lúc đó, cụ Lê Sức đang làm “Thủ Ngự” trấn ải cửa Sông Gianh ở làng Thuận Bài (xã Quảng Thuận - huyện Quảng Trạch) ngày nay. Có lẽ do thấy tính tình của Lê Vợn cương trực nên cụ Lê Sức cho đổi tên thành Lê Trực. Không những được dự học mà năm 13 tuổi, Lê Trực còn được học võ cùng 3 người con trai của cụ Lê Sức là Trung, Bình, Chính.
K
hông dùi mài kinh sử, nhưng luyện tập võ nghệ thì Lê Trực rất chăm. Năm 1846, khi Lê Trực tròn 18 tuổi, ông được cụ Lê Sức cho ra Thanh Hóa học trường võ.
Năm 1847, phủ Kinh Môn, Thanh Hoá thất thủ, rơi vào tay quân Hoa Kiều. Lê Trực đã đứng lên cùng dân chúng chiến đấu gần một tuần và đã thu phục được Phủ Kinh Môn. Giải thưởng của Phủ cho ông là 300 quan tiền và ông ở lại Thanh Hoá với Phủ Kinh Môn.
Tiến sĩ Võ
Không lập thân bằng nghiệp văn, thì lập thân bằng nghiệp võ. Trong cuộc đời của mình, Lê Trực không lều chõng đi thi theo con đường của các quan văn. Ông muốn theo nghiệp võ. Năm Kỷ Dậu (1849), Lê Trực về quê và xung quân ở Đồng Hới - Quảng Bình. Dù luyện tập võ nghệ nhiều nhưng thi cử vẫn là “có số”. Hai lần thi võ vào năm Kỷ Dậu (1851) và năm Đinh Mão (1857) ông đều không đỗ. Năm 1857, ông giữ chức suất đội Ninh Bình. Đến năm Mậu Ngọ (1858), ông đỗ cử nhân võ. Qua một năm chui rèn thêm, đến năm Kỷ Mùi (1859) ông đỗ Đệ tam giáp đồng võ tiến sĩ xuất thân. Điều trùng hợp là cùng dịp đó, cũng ở xã Tiến Hóa của quê hương có ông Phạm Duy Đôn đỗ Hoàng giáp.
Thi đỗ tiến sĩ võ, Lê Trực được vua ban biển “Ân tứ vinh quy”, được cả làng đón rước vinh quy về làng. Lê Trực được chuyển về giữ chức Chánh hiệp quản Huế. Thời Nguyễn, chức võ quan Chánh hiệp quản được chỉ huy từ 500 – 600 lính. Được một thời gian, ông lại được luân chuyển giữ chức Chánh hiệp quản Thanh Hóa. Rồi thăng chức Phó Lãnh binh Hà Nội. Tiếp tục luân chuyển các chức Chánh lãnh binh Ninh Bình (chỉ huy 600 quân), Chánh lãnh binh Thanh Hóa, Chánh lãnh binh Lạng Sơn…
Là võ quan uy tín, lại luân chuyển qua nhiều địa phương, nên vào năm Kỷ Dậu (1880), triều đình Huế điều Lê Trực về Huế để nhận công tác. Nhưng lúc đó, để củng cố thành Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu xin triều đình sắc phong cho Lê Trực ở lại Hà Nội với chức danh Đề đốc thành Hà Nội. Với chức Đề đốc, Lê Trực được chỉ huy từ 2.500 - 4.800 lính.
Sau khi nhậm chức Đề đốc thành Hà Nội, Lê Trực tích cực giúp sức cùng Tổng đốc Hoàng Diệu củng cố thành Hà Nội và huấn luyện binh sĩ.
Ngày 3/4/1882, quân Pháp do đại tá hải quân Henri Rivière chỉ huy bất ngờ đổ bộ lên bến sông Hà Nội. Ngày 25/4/1882, sau khi được tăng thêm viện binh, quân Pháp gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu, yêu cầu quân đội triều đình hạ vũ khí, giao thành trong vòng 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, không cần đợi hết thời gian của tối hậu thư, quân Pháp đã nổ súng tấn công thành Hà Nội.
Tổng đốc Hoàng Diệu, lên mặt thành chỉ huy đánh trả. Tuy nhiên, do vũ khí quân Pháp hiện đại nên nhanh chóng làm chủ tình thế. Tổng đốc Hoàng Diệu thảo tờ di chiếu gửi về triều đình rồi tự vẫn trong vườn Võ Miếu (dưới chân cột cờ Hà Nội).
Đề đốc Lê Trực thua trận, cùng với một số vị tướng khác bỏ chạy. Sau đó ông trở về triều Huế tạ tội. Các quan đại thần tâu xử Đề đốc Lê Trực tội chết, nhưng vua Tự Đức ân xá, cách quan cho về quê.
Chiếu Cần Vương
Nhiều vị quan đại thần triều Nguyễn từng luận Lê Trực tội chết năm 1882, nhưng họ đâu biết rằng chỉ một năm sau, năm 1883, ngay khi vua Tự Đức vừa băng hà, vua Đục Đức rồi Hiệp Hòa vừa nối ngôi, triều đình Huế đã phải ký Hòa ước với Pháp. Hai đại thần đứng ra ký Hòa ước là Hiệp biện đại học sĩ Trần Đình Túc (Chánh sứ) và Thượng thư bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp (Phó sứ). Phía Pháp do Harmand đại diện nên Hòa ước năm Quý Mùi này được gọi là Hòa ước Harmand. Kể từ năm 1883 trở đi đến năm 1945, nước ta bị đặt dưới quyền bảo hộ của nước Pháp.
Triều đình Huế chia thành hai phe. Phụ chánh đại thần, Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết đứng đầu phe chủ chiến. Vua Dục Đức chỉ làm vua 3 ngày, vua Hiệp Hòa làm vua 4 tháng, vua Kiến Phúc làm vua 242 ngày. Ba vị vua triều Nguyễn làm vua ngắn ngủi một phần là do thân Pháp.
Ngày 17/8/1884, triều đình Huế tổ chức lễ lên ngôi của vua Hàm Nghi. Quân Pháp tuy thừa nhận sự lên ngôi của vua Hàm Nghi nhưng cũng không vừa lòng.
Cuối năm 1884, 300 quân Pháp kéo vào Hoàng thành Huế lập đồn Mang Cá. Quan đại thần Tôn Thất Thuyết phản đối. Quân Pháp không những kiêng dè còn lấn tới tăng thêm quân lên hàng ngàn lính.
Người đứng đầu phe chủ chiến Tôn Thất Thuyết liệu tình thế không ổn bèn huy động số quân còn lại ở các địa phương tập trung về Huế. Dò biết tình hình, quân Pháp tăng thêm 4 đại đội và 2 tàu chiến từ Hải Phòng vào Huế dự tính sẽ loại trừ phe chủ chiến và bắt sống Tôn Thất Thuyết.
Đêm ngày 4/7/1885, giữa lúc quân Pháp đang dự tiệc ở sứ quán bên kia sông Hương và bàn kế đột nhập thành Huế thì Tôn Thất Thuyết bí mật chia quân làm hai cánh. Cánh thứ nhất (do Tôn Thất Lệ chỉ huy) có nhiệm vụ tấn công sứ quán Pháp. Cánh thứ hai (do Tôn Thất Thuyết đích thân chỉ huy) sẽ đánh úp tiêu diệt toàn bộ lính Pháp ở đồn Mang Cá. Đúng 1 giờ sáng ngày 5/7/1885, quan quân triều đình Huế tấn công quân Pháp.
Thế nhưng, do vũ khí hiện đại, quân Pháp đã phản kích trở lại và đánh chiếm kinh thành Huế. Quan đại thần Tôn Thất Thuyết bèn đưa vua Hàm Nghi dời kinh đô ra Sơn Phòng, Quảng Trị. Quân Pháp bèn mở nhiều cuộc hành quân truy tìm. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua ra vùng núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Đầu tháng 11/1885, quân Pháp đã huy động lực lượng càn quét, Tôn Thất Thuyết lại phải đưa Hàm Nghi vào huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình lập căn cứ kháng chiến mới. Tuyên Hóa, Quảng Bình trở thành Kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương trong những năm 1885 đến năm 1888.
Ngày 13/7/1885, từ Sơn Phòng, Quảng Trị, vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương hô hào nhân dân ra sức giúp vua cứu nước.
Làm chủ Bắc Quảng Bình
Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, từ năm 1885 nhiều cuộc khởi nghĩa lấy danh nghĩa Cần Vương nhanh chóng nổi lên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam tiêu biểu là những cuộc khởi nghĩa Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công Tráng; khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật; khởi nghĩa Tây Bắc của Nguyễn Quang Bích và khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng…
Ở Quảng Bình phong trào kháng chiến của nhân dân nổi lên rầm rộ, vùng Nam Quảng Bình có Đề Phú, Đề Én, Đề Chít… Họ lập căn cứ ở vùng núi, đánh tập kích các đường giao thông, đồn bốt địch. Phía Bắc có Cao Thượng Chí (Mai Hoá, Tuyên Hoá), ở Quảng Trạch có Mai Lượng, Trung Thuần có Lê Tuấn, Đồng Hới có Nguyễn Phạm Tuân. Nhưng tiêu biểu nhất vẫn là nghĩa quân do Đề Đốc Lê Trực đứng đầu.
Chưa đầy 2 tháng sau Chiếu Cần Vương, Lê Trực đã có đội quân hơn 500 người tập hợp bên bờ sông Gianh, lấy Cửa Xai trong vùng núi Thanh Thuỷ làm căn cứ. Quan đại thần Tôn Thất Thuyết cho Lê Trực phục nguyên hàm Đề đốc.
Người dân trong vùng nô nức theo Lê Trực khởi nghĩa. Chẳng mấy chốc quân số lên đến 2.000 người, tầm hoạt động và làm chủ cả phía Bắc Quảng Bình.
Đề đốc Lê Trực tổ chức được nhiều cuộc tấn công lớn, nhỏ, đánh tập kích vào đồn bốt địch. Trận đánh đêm mồng 9 rạng mồng 10/5/1886, nghĩa quân đột nhập thành Đồng Hới, đốt phá doanh trại địch, giết tên Bố chánh gian ác Nguyễn Đình Dương. Tuyến đường Đồng Hới - Ba Đồn và đường liên huyện đều bị nghĩa quân phong toả. Lê Trực bố trí cho quân phục kích trên các ngã đường, để chặn đánh, làm tiêu hao sinh lực địch…
Quân Pháp huy động lực lượng lớn và vũ khí hiện đại tấn công căn cứ vùng núi Thanh Thủy của Đề đốc Lê Trực. Đêm 18 rạng ngày 19/6/1887 hai bên đánh nhau rất quyết liệt. Quân Lê Trực dần yếu thế, bị thiệt hại nặng, buộc phải rút. Vợ của Lê Trực cũng bị bắt…
Cuối tháng 9/1888, vua Hàm Nghi bị bắt đưa về đồn Thuận Bài, Quảng Trạch, Quảng Bình. Đề đốc Lê Trực đã đến bái kiến vua. Quân Pháp bắt Lê Trực phải thừa nhận vua mới là Đồng Khánh nhưng ông không chịu. Năm 1891, quân Pháp ép buộc Lê trực phải quy thuận nếu không sẽ đàn áp dân làng. Lê Trực phải đành lòng giải hòa.
Lê Trực mất tháng 6/1918, tại làng Thanh Thủy, Tuyên Hóa, Quảng Bình, thọ 90 tuổi. Thi hài của ông được an táng bên hai người vợ. Năm 1993, Đền thờ và mộ của ông được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.