Dù ở trong những câu thơ, trang văn, Tô Lịch là dòng sông của vẻ đẹp, của văn hóa, của lịch sử thì sự thật là trong nhiều thập kỷ qua, sông Tô Lịch đang là một dòng sông thoi thóp, trở thành nơi chứa nước thải của thành phố và là nỗi sợ hãi về môi trường sống của cư dân hai bên bờ. Ý kiến của một đơn vị đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên văn hóa - lịch sử mới đây không phải là lần đầu tiên với mục đích cải tạo sông Tô Lịch.
Nếu sông Hồng được coi là sông Mẹ, con sông Cái của văn minh người Việt thì đối với người Hà Nội, cái tên sông Tô Lịch được gắn với lịch sử và văn hóa của hàng ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Sông Tô Lịch cho đến trước khi trở thành nơi chứa nước thải của thành phố đã từng là dòng chảy mang lại sự tốt tươi trù phú cho dân cư nhiều làng cổ suốt dọc kinh thành Thăng Long. Khởi nguồn, sông Tô Lịch vốn là một phân lưu của Nhị Hà, đưa nước từ thượng lưu sông Hồng sang sông Nhuệ, cửa sông bắt nguồn từ vị trí phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm) ngày nay. Chảy qua Hàng Lược, xuôi Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám…, nghĩa là đến đoạn trung lưu thì Tô Lịch gặp Hồ Tây, mang thêm nước Hồ Tây chảy ra phía Bưởi - Nghĩa Đô, rồi quanh co qua nhiều làng mạc mới chảy vào sông Nhuệ.
Đến ngày hôm nay, đoạn sông từ Cầu Gỗ đến Bưởi đã bị lấp, chỉ còn lại một vài dấu tích là những đoạn mương ở phố Thụy Khuê. Sông Tô Lịch hôm nay chỉ còn bắt đầu từ Nghĩa Đô, nhưng ngay cả bắt đầu từ đây thì nó như đã nói ở trên, những đoạn chưa bị vùi lấp này cũng chỉ còn thoi thóp.
Trong thực tế những năm qua, người ta nhiều lần nghĩ tới cải tạo sông Tô Lịch. Cụ thể là khoảng năm 2000, Tô Lịch được nạo vét đáy sông, kè bờ, với mục đích làm sạch và chống lấn chiếm. Khoảng năm 2009, Hà Nội từng có đề án dùng nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch…
Nhưng oái oăm thay, Tô Lịch từng có một lần sạch, nước trong văn vắt không phải nhờ các dự án cải tạo mà nhờ trận lụt lịch sử năm 2008. Trận lụt đã giúp cho Tô Lịch cuồn cuộn chảy chứ không lờ đờ như ngày thường, nhưng chỉ được vài tuần. Vài tuần một dòng sông được hồi sinh nhờ một trận đại hồng thủy.
Có lẽ cái tên Tô Lịch lại được nhắc đến nhiều nhất là vào năm 2019 Hà Nội đã cho phép một công ty môi trường của Nhật Bản thí điểm phương án làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor. Cuộc thí điểm có vẻ cũng đạt hiệu quả mong muốn tuy nhiên có dấy lên một cuộc tranh cãi khi nhiều ý kiến cho rằng việc khoanh vùng một khu vực nhỏ và xử lý nước trong diện hẹp chưa thể phản ánh nó sẽ thành công cho cả một con sông dài mang theo dòng chảy và ngày ngày vẫn phải nhận vào lòng một lượng nước thải đổ vào liên tục. Cũng trong năm 2019, Tô Lịch còn được thành phố xả hơn 1 triệu mét khối nước từ hồ Tây vào và dẫn tới những ý kiến bất bình từ các chuyên gia Nhật Bản về việc lượng nước xả vào Hồ Tây đã gây thiệt hại cho dự án làm sạch bằng nano-bioreacter.
Nhắc lại rất dài dòng ở trên để thấy cải tạo sông Tô Lịch là một mong muốn, một khát vọng của chắc hẳn không chỉ những người yêu Hà Nội. Cũng như ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch không phải bây giờ mới có. Tất nhiên, đề xuất lần này của một đơn vị (vốn từ Nhật Bản) có những nội dung cụ thể hơn như: Sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay) trở thành giao thông đường thủy. Các cầu trên sông sẽ cải tạo thành cầu vòm bằng dầm bê tông cốt thép chịu ứng lực. Du lịch sông Tô Lịch sẽ phục vụ cho du lịch tâm linh nối liền các chùa ở hồ Tây, đến đền Voi Phục, chùa Láng…Ngoài ra, 2 bờ sông Tô Lịch sẽ có nhiều nhà chờ xuống thuyền sát với các bến xe buýt hiện nay. Các nhà chờ này được xây dựng kiến trúc đẹp như các lầu vọng nguyệt ở các triều đại nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn...
Cũng như để hồi sinh sông Tô Lịch, đơn vị này nêu các giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: Thu gom nước thải, cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải, xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông, có giải pháp thoát nước chống ngập khi mưa bão…
Còn quá sớm để đánh giá tính khả thi của đề xuất này. Cải tạo sông Tô Lịch trả lại cho dòng sông này sự sống và những giá trị văn hóa, lịch sử là mong muốn, là khát vọng. Nhưng cũng đòi hỏi một sự thận trọng để không trở thành những đề án trên giấy hoặc giống như đã từng, là những dự án vẫn được triển khai mà dòng sông vẫn chưa được hồi sinh.
Để sông Tô Lịch hồi sinh, để con sông chảy trong lòng phố, cần quyết tâm và thận trọng, trong đó, cần nhất là việc đối xử công tâm với dòng sông. Bất kể một đề án nào thì việc hướng tới là tương lai của dòng sông, tương lai đô thị chứ không phải là việc vẽ ra dự án, vì những mục đích cá nhân.