Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), một trong những vấn đề vướng mắc hiện nay là dạy thêm, học thêm không được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý. Bộ GDĐT đang mong muốn bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục này để quản lý chặt chẽ hơn nữa.
Quản lý dạy thêm vẫn khó trăm bề
Ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, một trong những vấn đề đang khiến ngành giáo dục tỉnh gặp khó chính là việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Ông nhấn mạnh một số quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã bãi bỏ do hết hiệu lực khiến địa phương không có cơ sở để ban hành các văn bản chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đạt hiệu quả và đúng quy định.
Từ trước đến nay, hoạt động dạy thêm, học thêm không bị cấm. Ngành giáo dục chỉ cấm dạy thêm trái phép. Hiện hoạt động này được điều chỉnh theo Thông tư 17, ban hành vào tháng 5/2012 trong đó, quy định hai loại hình dạy thêm, học thêm được phép hoạt động gồm: Dạy thêm trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường. Cụ thể, trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập tổ chức (gồm có: Cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học), còn lại gọi là dạy thêm ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều ý kiến băn khoăn về việc nếu lớp học thêm do nhà trường tổ chức với giáo viên là các thầy cô đang giảng dạy tại trường đứng lớp thì sẽ gọi là học thêm trong nhà trường hay ngoài nhà trường? Cũng chính trong Thông tư 17 có nội dung quy định không được dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học và học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi mỗi ngày nhưng sau giờ lên lớp học ở bậc tiểu học, rất nhiều trường tổ chức các buổi học thêm từ 16h20 - 17h ngay trong chính lớp học đó. Các trường THCS cũng tương tự. Như vậy có vi phạm quy định hay không?
Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, hiện chưa có văn bản thay thế hoặc hướng dẫn mới nên việc cấp phép và quản lý dạy thêm ở tất cả các địa phương đến nay vẫn “án binh bất động”, không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động này cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua.
Trước đó, cử tri một số địa phương như Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hưng Yên… đã kiến nghị với Bộ GDĐT cần tăng cường xử lý vấn đề dạy thêm, học thêm trong các cấp học hiện nay. Trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Minh bạch hóa hoạt động dạy thêm
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, mục tiêu của đề xuất đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là nhằm quản lý dạy thêm, học thêm trở nên lành mạnh. Tuy nhiên, ông Khang cũng băn khoăn khi cho rằng, nếu đề xuất này được thông qua có thực sự ngăn chặn được tiêu cực trong dạy thêm, học thêm hay lại trở thành cơ sở cho sự tiêu cực trong dạy thêm được thực hiện một cách đàng hoàng, hợp pháp?
Quan trọng là Bộ GDĐT phải có quy định rõ ràng, chi tiết về các điều kiện, tiêu chuẩn được mở lớp dạy thêm cũng như các nội dung liên quan để các cơ quan quản lý, từng địa phương và người dân cùng giám sát. Bên cạnh đó, Bộ cũng phải giải trình phương pháp quản lý để chống tiêu cực và đưa hoạt động dạy thêm, học thêm cần phải đi đúng hướng, đúng với nhu cầu của giáo viên và học sinh.
Chung nỗi băn khoăn này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay hay nếu sau này được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì việc quản lý cũng không dễ dàng. Đơn cử, Thông tư 17 quy định giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Tuy nhiên, có bao nhiêu lớp học thêm công khai do giáo viên tổ chức mà học sinh 100% là học sinh trên lớp của thầy cô đó? Một số vụ việc khi được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, vai trò của hiệu trưởng rất mờ nhạt. “Cần thêm vào quy định xử lý nghiêm người đứng đầu nếu xảy ra vi phạm là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan quản lý cần đầy mạnh tránh trường hợp lúc đầu đăng ký đúng người đúng việc nhưng sau một thời gian thì biến tướng. Phải công khai các đơn vị dạy thêm được cấp phép để phụ huynh, học sinh nắm được và tăng cường sự giám sát của người dân cùng với cơ quan cấp phép”, ông Lâm đề xuất.
Nhiều giáo viên ở Hà Nội cho hay, nếu quy định bắt buộc giáo viên phải đến trung tâm được cấp phép để dạy thêm trong khi số lượng trung tâm này ít so với nhu cầu thực tế sẽ khó khăn với nhiều thầy cô. Đa số hiện nay giáo viên vẫn tự tổ chức các lớp học thêm ở nhà hoặc thuê địa điểm để dạy thêm. Nếu bây giờ yêu cầu gắt gao phải dạy qua trung tâm, chi phí sẽ đội lên, họ cũng sẽ tính toán lớp đông hơn để đảm bảo có lãi thì chất lượng sẽ khó để đảm bảo như việc dạy nhóm nhỏ tối đa là 7 học sinh/ca học với trình độ tương đương nhau để dễ phụ đạo.
Minh bạch hóa hoạt động này thông qua các quy định chung là cần thiết, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu việc dạy thêm được cấp phép thì nhà quản lý sẽ điều phối được cách tổ chức hoạt động này sao cho hợp lý và giúp các giáo viên nhận thức đúng đắn về mục đích của dạy thêm. Đồng thời, giáo viên cũng sẽ bảo vệ được quyền lợi và danh dự nghề nghiệp của mình.
Dẫu vậy, từ chính sách đến thực tế là một quá trình nên những quy định về mặt luật pháp phải được điều chỉnh phù hợp với thực tế cuộc sống để việc thực thi đạt hiệu quả. Hiện nay, Bộ GDĐT mới đưa ra đề xuất song chưa có nội dung cụ thể về các điều kiện để có thể dạy thêm, học thêm nên tới đây, cần cụ thể hơn nữa để các cơ quan có liên quan, các chuyên gia giáo dục và người dân góp ý, từ đó góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động này.
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhiều lần nhấn mạnh, quản lý dạy thêm, học thêm cần giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó cần cả những quy định về luật, quy định mang tính hành chính, cần cả những giải pháp chuyên môn và giải pháp về quan điểm, tinh thần, thái độ, dư luận xã hội.
Nhóm giải pháp về lĩnh vực chuyên môn như vấn đề chương trình, phương pháp dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá là những vấn đề Bộ đang triển khai. Về kiểm tra, đánh giá, thời gian tới trong các phương án đổi mới kiểm tra, Bộ tính đến việc điều chỉnh phương án thi THPT và kiểm tra đánh giá thường xuyên để làm sao từ góc độ kiểm tra, đánh giá có thể hạn chế được việc này.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga:
Cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng
Đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện là một vấn đề cần phải được nhìn nhận và nghiên cứu thấu đáo, chứ không phải để cho dễ quản lý. Nghề dạy học hoàn toàn khác với những ngành nghề kinh doanh khác, nếu bây giờ đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để cấp phép thì việc thẩm định cấp phép ấy sẽ như thế nào? Đặc biệt là thẩm định giáo viên, rất khó.
Vì vậy, từ phía Bộ GDĐT phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thiết kế chương trình học giảm tải để giáo viên có thể giải quyết hết được tất cả các kiến thức cần thiết cho học sinh ở trên lớp. Cần tránh “bệnh thành tích” trong giáo dục. Bộ GDĐT phải đổi mới cách đánh giá và phải đi vào thực chất. Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho giáo viên.
Về phía phụ huynh cũng phải thay đổi nhận thức, không đưa con từ lớp học thêm này đến lớp học thêm khác mà không tìm hiểu rằng việc học quá nhiều có thể phản tác dụng.
(Còn nữa)