Nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thành công. Vừa qua, sở dĩ các cơ quan chức năng làm được nhiều việc như vậy là có sự đồng thuận rất lớn từ xã hội"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
1. Những ngày này, phiên tòa xử vụ công ty Mobifone mua AVG đang diễn ra - một phiên tòa lớn trong lịch sử tư pháp Việt Nam năm 2019. Lớn ở mức độ vi phạm của các bị cáo, ở số tiền của Nhà nước suýt bị chiếm đoạt nếu các cơ quan tư pháp không kịp thời phát hiện, và lớn ở chỗ, đã có 2 cựu Bộ trưởng ra tòa trong một vụ án. Nhiều giọt nước mắt đã rơi tại chính phiên tòa, nhưng đó đều là những giọt nước mắt khá muộn mằn khi chính những người rớt nước mắt ấy, chỉ cách đây ít lâu đã không hề ý thức được “tác dụng phụ” cực lớn qua việc làm của mình. Ấy là những sai phạm của các cán bộ từng lừng danh một thời tại Mobifone, tại Bộ Thông tin và Truyền thông đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về độ liều lĩnh làm trái quy định của pháp luật đến vậy. Và rằng, chính bằng hành động ấy, họ đã thêm một lần làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ được Đảng cất nhắc, đào tạo và dìu dắt.
Có lẽ hơn lúc nào hết, ngay tại phiên tòa, những cựu cán bộ ấy đã hiểu rõ việc mình làm gây ảnh hưởng xấu như thế nào và đã gửi lời xin lỗi đến Nhân dân, Đảng, Nhà nước. Bởi, cả cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi, cống hiến ấy, kể cả ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, nơi vào sinh ra tử nhưng hôm nay lại phải đứng trước vành móng ngựa thốt lên những lời cay đắng từ đáy lòng mình như lời cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Sự kiện, vụ án này coi như một hiện tượng thiên nga đen, tức là xác suất cực nhỏ nhưng hậu quả tác hại cực lớn, ảnh hưởng rất lớn đến dư luận, xã hội, uy tín của Đảng, cán bộ, công chức". Và, vị cựu Bộ trưởng này giãi bày: “Bào chữa cho mình trên cơ sở còn lương tâm của mình. Phiên tòa này sẽ kết thúc nhưng còn có những phiên tòa không bao giờ kết thúc, đó là tòa án lương tâm bám theo chúng tôi mãi mãi cho đến khi chấm dứt cuộc đời”. Những lời gan ruột ấy, tiếc thay đã được nói lên quá muộn và ở một nơi không mong muốn với bất cứ công dân bình thường nào, chứ chưa nói đến đó lại là một cán bộ giữ trọng trách.
Trước vụ án Mobifone mua AVG đã có những vụ án khác được đưa ra xét xử. Có những cán bộ ở cấp cao hơn các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã lĩnh án cũng vì các tội danh liên quan đến kinh tế, đến tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, tội nhận hối lộ. Và, chắc chắn, đây cũng chưa phải là vụ án cuối cùng. Đó đều là những án lớn, được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và “đánh án” trực diện vào những cán bộ cấp cao, những người mà dư luận bấy lâu nay vẫn cho rằng khó có thể bị làm sao.
2. Từ phiên tòa xét xử vụ án Mobifone mua AVG đã thêm một lần cho thấy Đảng ta đã, đang tuyên chiến với tệ nạn tham nhũng và đấu tranh trực diện vào các cán bộ cấp cao. Quyết tâm chống tham nhũng đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định nhiều lần. Còn nhớ, trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội hồi giữa năm 2018, khi trả lời cử tri có đề cập đến vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, gây thiệt hại của nhà nước 8.800 tỷ đồng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay: bên bán cổ phần đã hứa trả lại toàn bộ số tiền và lãi, thực tế đã thu hồi được 8.500 tỷ đồng. Lúc đó, Tổng Bí thư cũng nêu quan điểm: chống tham nhũng phải kết hợp với thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương cho đồng bộ, cụ thể như kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cải cách tiền lương, cải cách bảo hiểm xã hội...
Và, vào thời điểm đó, chính Tổng Bí thư cũng nói: "Nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thành công. Vừa qua, sở dĩ các cơ quan chức năng làm được nhiều việc như vậy là có sự đồng thuận rất lớn từ xã hội". Thời điểm đó, đồng chí cũng đã khẳng định: sắp tới các cơ quan chức năng tiếp tục làm, làm tốt, có hiệu quả, cả xã hội cùng đồng lòng thì cuộc chiến chống tham nhũng mới thành công, và xác định là lâu dài, "không sốt ruột được". Những điều Tổng Bí thư nói thì Đảng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện và thực hiện hiệu quả, kết hợp giữa xây và chống, “để phát triển đất nước thì không chỉ "chống" mà cơ bản, lâu dài là "xây". Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì rất cần một hệ giải pháp để chống tham nhũng và để cán bộ không muốn, không dám tham nhũng.
3. Hôm 25/12, tại Hà Nội, ngành Tổ chức Đảng sẽ họp tổng kết năm 2019 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Đây đang là thời điểm rất quan trọng với ngành Tổ chức Đảng nói riêng và toàn Đảng ta nói chung. Bởi năm 2020 là năm của đại hội đảng các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII. Và một trong những công việc quan trọng bậc nhất của ngành Tổ chức Đảng chính là chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ kế tiếp. Và, bài học nhân sự của Đại hội XII chắc chắn sẽ cho chúng ta những kinh nghiệm quý để chuẩn bị nhân sự của Đại hội XIII. Trong nhiệm kỳ XII, ngành Tổ chức Đảng đã tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương ban hành 04 nghị quyết và 01 quy định; Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 120 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, thông báo, hướng dẫn… về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để triển khai thực hiện.
Theo báo cáo mới nhất của ngành Tổ chức Đảng, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng được triển khai đồng bộ, toàn diện; tiếp tục tham mưu hoàn thiện Báo cáo tổng kết công tác nhân sự Đại hội XII của Đảng và phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XIII; các báo cáo về tình hình cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đề xuất nhân sự các địa phương, ban, bộ ngành cơ quan ở TƯ... làm cơ sở chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới và các nhiệm kỳ tiếp theo. Trong tháng 11, đã phê duyệt quy hoạch đối với 30 lượt cán bộ diện TƯ quản lý, nâng tổng số lượt cán bộ được phê duyệt từ đầu năm đến nay gần 560 lượt; thẩm định 133 lượt nhân sự diện TƯ quản lý trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định phân công, chỉ định, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, nâng tổng số lượt cán bộ được thẩm định từ đầu năm đến nay là 854; thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với 88 trường hợp diện Trung ương quản lý; nâng tổng số trường hợp cán bộ được thẩm định tiêu chuẩn chính trị từ đầu năm đến nay là 1.077 trường hợp; phối hợp tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức mới thứ ba, thứ tư cho 86 cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII… Nhưng, quy hoạch là một chuyện, công tác bồi dưỡng cán bộ phải gắn với giám sát và kiểm soát quyền lực, chống chay chức chạy quyền.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 12, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định được xem là đã đi trúng, khi đề cập thẳng vào những vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ tồn tại suốt nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Những vấn đề mà chúng ta đều hiểu, nó cũng là mầm mống dẫn đến có các “con bệnh” nặng trong Đảng đến mức không “cứu chữa nổi” như thời gian vừa qua.
Hoàng Mai