Chính trị

Đề nghị báo cáo kết quả hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo

Minh Thủy 23/03/2024 07:31

Ngày 22/3, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản đề nghị 26 địa phương trên cả nước khẩn trương thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành theo đúng mục tiêu đề ra của năm 2024.

anh-bai-duoi.jpeg
Chung tay xây dựng nhà ở cho hộ nghèo ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thúy Vy.

Các tỉnh cần khẩn trương thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và An Giang.

Theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Dự án 5 về “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025” là 1.306 tỷ đồng để các địa phương triển khai thực hiện.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh tập trung triển khai hỗ trợ nhà ở; đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách trung ương đã cấp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, dự án 5 theo quy định.

Các địa phương báo cáo kết quả thực hiện giải ngân vốn ngân sách trung ương đã cấp cho Chương trình trên tính đến ngày 31/3/2024; kế hoạch thực hiện và ước đạt tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương đã cấp đến hết ngày 31/12/2024; kết quả phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2024 đã cấp cho các huyện, gửi Bộ Xây dựng trước ngày 15/4/2024. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, nhiều ý kiến của ĐBQH cho biết việc giải ngân đạt rất thấp, một số địa phương rất khó huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu xóa nhà tạm cho hộ nghèo theo kế hoạch đến năm 2026. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu với chiều thiếu hụt về nhà ở là tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Ước năm 2023 có 25.500 hộ được hỗ trợ.

Theo ĐBQH Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giảm thiểu thiếu hụt về chiều nghèo về nhà ở đạt rất thấp. Năm 2023 chỉ đạt khoảng 39,7% so với kế hoạch Dự án 5 của Chương trình. Việc giải ngân cũng đạt rất thấp, một số địa phương rất khó huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu xóa nhà tạm cho hộ nghèo theo kế hoạch đến năm 2026.

Một số địa phương như Bắc Kạn, Quảng Nam, Bình Định, Cần Thơ... cũng gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo về hỗ trợ nhà ở.

Theo Quyết định số 02/2022 của Thủ tướng Chính phủ (quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025), định mức hỗ trợ đối với nhà xây mới là 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà là 20 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương. Nhiều ý kiến cho rằng, với định mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ chưa đủ để đảm bảo được yêu cầu là “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên theo yêu cầu tại Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề nghị báo cáo kết quả hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo