Đề nghị bổ sung tỷ lệ đặt cọc tối đa để bảo vệ quyền lợi của khách hàng

Việt Thắng 19/06/2023 18:06

Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế đề nghị không bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản, vì chưa đủ cơ sở thực tiễn, chưa làm rõ được an toàn pháp lý của giao dịch bất động sản qua sàn. Ngoài ra, việc bắt buộc các giao dịch bất động sản nhà ở trên giấy phải qua sàn sẽ làm tăng chi phí, và tính vào giá và người mua sẽ phải chịu cả phí bảo lãnh, chi phí cho sàn giao dịch.

Với dự án có đủ cơ sở pháp lý, chủ đầu tư đủ năng lực, uy tín thì giao dịch trực tiếp không qua sàn vẫn diễn ra thuận lợi, ít rủi ro. Việc bắt buộc giao dịch qua sàn tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền, câu kết với các bên tham gia giao dịch để trốn thuế, làm nhiễu loạn thị trường.

Các đại biểu thảo luận tại tổ (Ảnh: Quang Vinh)

Ủy ban Kinh tế cho rằng, phải tôn trọng quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp và người dân. Do đó đề nghị không quy định bắt buộc, mà chỉ khuyến khích tổ chức, cá nhân giao dịch bất động sản qua sàn. Đồng thời, Chính phủ cần đưa ra quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản, tạo cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch bất động sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thu hút được các bên tham gia giao dịch.

Hay như một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tỷ lệ đặt cọc tối đa để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, thường là bên yếu thế trong giao dịch.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định việc sàn giao dịch bất động sản chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cung cấp thông tin không đầy đủ, không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho các bên tham gia.

Về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định chủ đầu tư chỉ được nhận tiền đặt cọc khi đáp ứng điều kiện là nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này tại điểm d khoản 4 Điều 24 dự thảo Luật là quy định mới so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Tuy nhiên điểm mới này chưa được đề cập trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Luật. Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung này để Quốc hội có đủ cơ sở xem xét.

Bà Thái Thị An Chung phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho rằng, luật quy định về công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, bao gồm công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, văn phòng, thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú, công nghiệp và các công trình xây dựng khác còn chung chung.

“Do đó nên quy định rõ hơn, bao quát các loại công trình xây dựng được tạo lập nhằm mục đích đưa vào kinh doanh để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết các loại bất động sản đưa vào kinh doanh. Ví như giấy tờ pháp lý của dự án là những giấy tờ nào cần cụ thể để tránh cách hiểu khác nhau”, bà Chung cho hay.

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắk Kạn) cũng cho rằng, dự thảo luật đã có sự kế thừa các quy định của luật hiện hành. Tuy nhiên theo bà Ngân, cần có đối chiếu rà soát kỹ với các luật khác như: Đất đai; nhà ở; đầu tư; dân sự.

Bên cạnh đó, theo bà Ngân, cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là luật đang được cho ý kiến tại kỳ họp lần này để thống nhất về khái niệm và theo nguyên tắc những quy định về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, chuyển nhượng dự án bất động sản thì quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản; các Luật khác có liên quan không nhắc lại các quy định đó mà quy định dẫn chiếu theo Luật Kinh doanh bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề nghị bổ sung tỷ lệ đặt cọc tối đa để bảo vệ quyền lợi của khách hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO