Thông tin từ Cục Hàng không, trong số chuyến bay các hãng hàng không Việt Nam khai thác trong tháng 6 có 6.892 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỉ lệ 30,7%, tăng vọt so với tháng trước đó (tháng 5 có 17,8% chuyến bay bị delay - chậm giờ). Bên cạnh đó vẫn là nỗi lo về giá vé bay trong mùa du lịch hè. Mặc dù Cục Hàng không đã có văn bản yêu cầu các hãng bay rà soát, làm rõ những khoản mục cấu thành mà khách hàng phải trả trong giá vé.
Hầu hết hành khách đi máy bay có thu nhập khá. Đi máy bay là để tiết kiệm thời gian và được hưởng dịch vụ cao cấp mà họ đã bỏ tiền ra. Vì thế việc chậm chuyến, hủy chuyến gần như phổ biến là rất khó chấp nhận.
Tháng 6 vừa qua, khi mùa du lịch sôi động thì số chuyến bay bị chậm lập tức tăng vọt ở tất cả các hãng hàng không trong nước, bao gồm Vietnam Airlines, VietJet Air, Pacific Airlines, VASCO, Bamboo Airways, Vietravel Airlines. Chỉ có 15.567/6.892 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỉ lệ 69,3%; giảm mạnh so với tháng 5 khi có 82,2% số chuyến bay đúng giờ.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ là 75,7%; chậm giờ là 24,3%.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong tháng 6 vẫn là do máy bay về muộn (59,5% số chuyến bay delay) và do các hãng hàng không (30,8%).
Như vậy, lý do chính khiến các chuyến bay nội địa “lỗi hẹn” vẫn như cũ, cũng có nghĩa là không khắc phục được. Hành khách bay đã tính toán kỹ trước khi đặt vé, họ cần phải được bảo đảm đúng giờ bay cả nơi đi và nơi đến, chứ không cần một lời xin lỗi hoặc đền bù, dù cho đó là điều phải làm. Tới nay, việc máy bay trễ giờ đã như một căn bệnh mãn tính. Vậy thì ai phải chịu trách nhiệm? Và xử lý thế nào về việc này? Câu trả lời dường như vẫn bị bỏ ngỏ.
Cùng với việc trễ chuyến, hủy chuyến bay, một nỗi lo khác là giá. Vào cao điểm mùa du lịch, lễ tết, giá vé bay lên cao ngất ngưởng, cùng đó là sự ca thán của người dân. Tại thời điểm này, vé bay “giảm nhiệt” nhưng nỗi lo bất chợt tăng thì vẫn còn đó.
Để tránh tình trạng các đại lý vé nâng giá vô tội vạ, đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định. Có nghĩa là công khai những khoản mục cấu thành mà khách hàng phải trả trong giá vé thể hiện. Mà điều này thì hành khách rất “mù mờ”.
Cũng cần nhắc lại, tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định; quản lý nghiêm việc điều phối, sử dụng slot (lượt cất, hạ cánh) của các hãng hàng không. Ngoài ra, các hãng hàng không cần xây dựng các dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá vé trên đường bay nội địa phù hợp với thực tiễn thị trường vận tải hàng không, cũng như nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn.
Thông cảm với những khó khăn của các hãng hàng không, trong đó có việc thiếu máy bay và chi phí nhiên liệu nhập khẩu tăng, nhưng cũng không thể vì thế mà các hãng bay đẩy phần thua thiệt, bất lợi sang hành khách nội địa. Để người dân bỏ tiền ra mua vé bay cảm nhận sự hạnh phúc khi bay chứ không phải là để họ phải chịu bực tức khi bị chậm chuyến, hủy chuyến hay là phải mua vé đắt.
Vậy, nếu bị chậm chuyến bay, hành khách được bồi thường thế nào? Theo Thông tư số 19 của Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023: Với chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên, hãng phải chuyển đổi miễn phí hành trình phù hợp hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình. Đối với chuyến bay chậm 4 giờ trở lên, hãng phải bồi thường ứng trước hoàn lại bằng tiền hoặc hình thức phù hợp khác cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay. Với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, trường hợp hành khách không có nhu cầu đi nữa thì có quyền yêu cầu hãng hoàn trả tiền vé.
Thông tư số 19 cũng nêu rõ, trường hợp hãng hàng không vi phạm quy định về nghĩa vụ của mình với hành khách, tùy mức độ vi phạm, cảng vụ hàng không hoặc thanh tra Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét, xử phạt hành chính.