Sức khỏe

Đề phòng cúm A/H5N1

THANH MAI 31/03/2024 07:56

Theo WHO, trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A/H5N1. Hiện thời tiết miền Bắc đang chuyển mùa thuận lợi cho virus phát triển, đặc biệt là virus cúm.

anhtiemphong-29-3.png
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine phòng cúm hằng năm.

Xuất hiện ca tử vong

Việt Nam vừa ghi nhận ca tử vong do cúm gia cầm sau hơn 8 năm không ghi nhận, trong khi dịch cúm vẫn rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sang người.

Theo đó, bệnh nhân là nam, 21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, ngày 11/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho và tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa ngày 16-17/3, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi.

Ngày 19/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm và kết quả dương tính với cúm A/H5. Kết quả khẳng định của Viện Pasteur Nha Trang ngày 22/3 xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1. Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong ngày 23/3.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân đi bẫy chim hoang dã; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng gia cầm ốm, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe hàng ngày; đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

Cũng theo Bộ Y tế, đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Trước đó, tháng 10/2022, tại Phú Thọ đã ghi nhận 1 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong (50,8%).

Bộ Y tế cũng cho biết, thời điểm hiện nay đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Vì vậy, thời gian tới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Cúm A /H5N1 là phân nhóm cúm gia cầm có khả năng xâm nhiễm cao. Từ năm 1997 đến nay, sự bùng phát của virus H5N1 đã làm nhiễm bệnh và chết hàng chục triệu gia cầm.

H5N1 là loại virus có khả năng tự biến đổi (hoặc tái tổ hợp) rất cao. Virus này có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với tỷ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong là rất lớn.

Có lây từ người sang người?

Theo TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), người nhiễm virus cúm A/H5N1 thường có những triệu chứng diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường, nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Những dấu hiệu cơ bản bệnh cúm A/H5N1 cần lưu ý là sốt cao liên tục trên 38 độ C. Người bệnh cảm thấy rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc, đau ngực, tim đập nhanh. Cùng với đó là tình trạng đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm…

Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng do virus A/H5N1 gây ra trở nên trầm trọng. Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man.

Bộ Y tế cho rằng, chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người. Tuy nhiên, với bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.

Các chuyên gia về điều tra dịch tễ cho biết, thời gian ủ bệnh của cúm A/H5N1 dài hơn thời gian ủ bệnh của các chủng virus khác gây cúm mùa, từ 2-8 ngày và có thể dài đến 17 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với các nguy cơ như giết mổ hoặc sử dụng các sản phẩm từ gia cầm nhiễm virus như thịt, trứng hoặc tiếp xúc với người đang nhiễm H5N1. Đây là khoảng thời gian virus tiềm ẩn trong cơ thể, chưa phát tán và chưa có dấu hiệu, chỉ chờ cơ hội khởi phát. Tuy nhiên, việc phơi nhiễm nhiều lần với virus dẫn đến việc khó xác định chính xác thời kỳ ủ bệnh.

BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo, người mắc cúm A/H5N1 có diễn tiến nặng chỉ sau nửa ngày nếu không điều trị kịp thời. Virus cúm A/H5N1khiến người bệnh bị suy đường hô hấp cấp dẫn đến thiếu oxy và gây tổn thương các phủ tạng quan trọng, đe dọa trực tiếp tính mạng.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không giết mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, nhất là khi triệu chứng nặng (sốt trên 39 độ C, đau mỏi người quá mức, vật vã kích thích, không ăn uống được, trẻ có thể sốt li bì, ngủ gà...). Những trường hợp bị biến chứng viêm phổi nên đến các cơ sở y tế có điều kiện hồi sức.

Theo các chuyên gia y tế, cúm A có nhiều chủng, trong đó chủng H5N1 có độc lực cao nhất, với tỉ lệ tử vong rất cao lên đến 50%. Virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao người (từ 50-60% trường hợp mắc). Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp cần đến bệnh viện xét nghiệm khẳng định bị mắc virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng cúm A/H5N1

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO