Mới đây, kho phế liệu giữa khu dân cư phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) xảy ra cháy lớn khiến hàng trăm người dân phải sơ tán khẩn cấp. Rất may là không có thiệt hại về người, nhưng nhiều tài sản đã bị thiêu rụi. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra cháy lớn tại khu dân cư, đe dọa tính mạng và tài sản người dân.
Có tới 12 xe cứu hỏa và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng PCCC, cứu hộ, cứu nạn lập tức có mặt tại hiện trường, nhưng sau hơn hai giờ nỗ lực ứng cứu vẫn chưa khống chế được ngọn lửa. Các hộ dân sống xung quanh khu vực đã được lực lượng chức năng yêu cầu di dời, phòng khi ngọn lửa lan sang những ngôi nhà bên cạnh.
Trong vụ cháy này, cả chủ kho phế liệu và người dân sống xung quanh đã may mắn thoát nạn, nhưng trong nhiều vụ cháy khác các nạn nhân đã không có được may mắn đó. Chẳng phải từ đầu năm tới nay đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, thậm chí có vụ cháy cướp đi sinh mạng của gần chục người đó sao?
Việc xảy ra cháy nổ vốn dĩ là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày, bởi chỉ cần sơ ý, bất cẩn một chút là có thể gây ra hỏa hoạn. Song, thiệt hại như thế nào thì lại là cả một câu chuyện đáng bàn. Khi mà có sự phòng bị, cảnh giác thì dẫu “bà hỏa” viếng thăm cũng khó có thể cướp đi nhiều sinh mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản được.
Bàn về câu chuyện phòng bị và cảnh giác đối với hỏa hoạn, dĩ nhiên là phải nghĩ tới việc làm sao để khó xảy cháy, nếu có cháy thì ngọn lửa cũng không thể bùng phát quá nhanh, quá mạnh gây hậu quả nặng nề. Muốn ngọn lửa không có điều kiện bốc lên nhanh chóng, có cách gì khác hơn là phải hạn chế “cung cấp” cho nó “nguồn” vật liệu dễ bắt lửa?
Đáng tiếc, hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chứa những nguyên vật liệu dễ bắt lửa như hóa chất, bông vải, mút xốp... nhưng công tác phòng ngừa cháy nổ lại hết sức sơ sài, nếu không muốn nói là không hề có sự phòng bị. Vì thế, không những các nơi này dễ xảy cháy, mà còn cháy to rất nhanh gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Tài sản là vật vô tri không có “chân” để chạy dễ bị ngọn lửa nuốt chửng, nhưng còn con người vì sao không thể chạy thoát mỗi khi hỏa hoạn? Đơn giản là trong hầu hết các vụ cháy gây hậu quả nặng nề, các nạn nhân bị ngọn lửa bịt mất lối thoát hiểm nên đành “bó tay chờ chết”. Hơn nữa, do ngọn lửa bốc lên quá nhanh có muốn chạy cũng không kịp.
Chính vì liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn, cướp đi sinh mạng của nhiều người và thiêu rụi hàng nghìn tỷ đồng tài sản, mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã phải thốt lên rằng: Không thể chấp nhận các cơ sở sản xuất có hóa chất dễ cháy trong khu dân cư. Bởi lẽ, đã có tới 8 người chết trong một vụ cháy cơ sở sản xuất chứa hóa chất.
Khi mà trong khu dân cư đông đúc có các cơ sở sản xuất kinh doanh chứa những nguyên liệu dễ cháy nổ, nhất là các loại hóa chất, thì thiệt hại sẽ là rất lớn. Các loại vật liệu dễ bắt lửa sẽ là môi trường tốt “nuôi” ngọn lửa, nên lực lượng chức năng khó kiểm soát, khống chế. Còn các loại hóa chất khi xảy cháy lại phả ra khói độc gây chết người nhanh chóng khiến việc cứu hộ, cứu nạn chỉ chậm chễ một phút thôi cũng là quá muộn.
Ai cũng nhìn thấy điều nguy hại ấy, nhưng lại không thấy các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu nào để tham mưu cho lãnh đạo, nhằm khắc phục hiện trạng sản xuất kinh doanh chứa những vật liệu dễ cháy nổ nằm lẫn trong các khu dân cư.
Đó chính là lý do mà cứ “dăm bữa nửa tháng”, báo chí lại đăng tải thông tin về một vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Trong các vụ cháy liên tiếp xảy ra đó, nhiều người đã thiệt mạng, có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng đã “biến mất” trong ngọn lửa.
Thực ra, hành lang pháp lý điều chỉnh về vấn đề PCCC đã khá đầy đủ, nhưng do người thực hiện không nghiêm chỉnh nên vẫn để xảy ra cháy nổ. Chẳng hạn, quy định của pháp luật yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh các vật liệu dễ cháy nổ, hóa chất, phải đảm bảo có hệ thống PCCC, có thể tự ứng cứu tại chỗ, nhưng thực tế thì sao?
Hầu như không có cơ sở sản xuất kinh doanh nào trang bị các thiết bị PCCC, dù có trang bị cũng không biết sử dụng, hoặc sử dụng không thành thục dẫn đến vô tác dụng. Vậy nên, rất nhiều ý kiến cho rằng, cần “cấm tiệt” các cơ sở sản xuất kinh doanh có chứa vật liệu dễ cháy nổ, nhất là hóa chất trong các khu dân cư. Đừng để hỏa tai có thể xuất hiện tự sự vô ý thức, coi thường pháp luật của các cá nhân, đơn vị.