Sức khỏe

Đề phòng nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan rộng

Nghĩa Toàn 27/11/2023 14:22

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 1/2022 đến hết tháng 10/2023, trên phạm vi toàn cầu đã ghi nhận tổng cộng 91.788 ca nhiễm và 167 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện bệnh đang lây lan mạnh tại CHDC Congo. Từ đầu năm tới nay, nước này đã ghi nhận 12.569 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 581 trường hợp tử vong. Đây là con số bệnh nhân bệnh này tính theo năm cao nhất tại Congo từ trước tới nay.

WHO đánh giá, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan rộng sang các nước láng giềng với Congo và trên toàn thế giới là rất đáng kể, thậm chí, tổ chức này cho rằng, nguy cơ bùng phát đậu mùa khỉ với những hậu quả có thể nghiêm trọng hơn so với hậu quả đã ảnh hưởng trên thế giới từ năm 2022.

Trong khi đó, tại Việt Nam đã có 89 ca đậu mùa khỉ, riêng TPHCM có 74 ca, trong đó có 2 ca tử vong trong bệnh cảnh suy giảm miễn dịch. Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đánh giá, có khả năng TPHCM vẫn còn nhiều người mắc đậu mùa khỉ nhưng chưa được phát hiện.

Đậu mùa khỉ được xem là một bệnh truyền nhiễm tái nổi, trước đây chỉ lưu hành tại châu Phi, nhưng từ tháng 4/2022, bệnh bùng phát ở châu Âu và Mỹ, sau đó được ghi nhận trên toàn thế giới.

Đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua các tiếp xúc gần như tiếp xúc da – da, tiếp xúc miệng – miệng, tiếp xúc miệng – da; nói chuyện gần với người đang phát tán virus qua giọt bắn hô hấp hoặc sử dụng chung đồ dùng với người đang bị đậu mùa khỉ cũng có thể bị lây.

Tuy nhiên, khi phân tích đặc điểm dịch tễ của đợt dịch đậu mùa khỉ trên thế giới từ năm 2022 đến nay, WHO nhận định, lây bệnh có thể phát tán hầu hết qua quan hệ tình dục. Mọi người đều có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ nếu có những hành vi tình dục nguy cơ; việc sử dụng thuốc ARV trong điều trị nhiễm HIV hoặc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm không thay thế được các biện pháp tình dục an toàn để dự phòng lây nhiễm đậu mùa khỉ.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề phòng nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO