Salmonella là một trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn thế giới, đây là loại vi khuẩn có thể tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm: Thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, rau, hoa quả và thậm chí cả trong thực phẩm chế biến.
Tại nước ta đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể do khuẩn Salmonella. Điển hình, vào tháng 11/2022, hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã bị ngộ độc thực phẩm do khuẩn Salmonella, trong đó có 1 ca tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Salmonella là một vi khuẩn hình que, thuộc họ Enterobacteriaceae (vi khuẩn đường ruột). Có nhiều chủng vi khuẩn Salmonella gây bệnh, trong đó chủ yếu là các chủng Salmonella gây ngộ độc thực phẩm.
Salmonella có khả năng lây lan nhanh chóng, có khả năng sống 2-3 tháng trong nước đá, hơn 1 tháng trong nước thường, khoảng 5-10 ngày trong rau quả hay vài tháng trong phân. Tuy nhiên, vi khuẩn Salmonella dễ dàng bị tiêu diệt khi trong môi trường có nhiệt độ cao, chúng chỉ có thể sống 30 phút khi nhiệt độ lên đến 55 độ C và vài phút khi gặp cồn 90 độ C.
Tác nhân gây ngộ độc thực phẩm Salmonella thường là do: Gà hoặc gia cầm khác, trứng chưa nấu chín; sữa hoặc nước trái cây không tiệt khuẩn; trái cây, rau quả bị ô nhiễm. Ngoài ra, Salmonella có thể được lây nhiễm từ thực phẩm này sang thực phẩm khác từ tay hoặc dao, thớt, đĩa và các dụng cụ nhà bếp khác.
Vi khuẩn này thường sống trong ruột của một số loại động vật như chim, gà, ếch, cóc, kỳ nhông, rắn, thằn lằn và rùa… Nếu phân của những động vật này dính vào tay, có thể lây bệnh cho con người.
BS Trần Ngọc Tùng - Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh Salmonella, người dân cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch tốt nhất là dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây, trước và sau khi chế biến thực phẩm, nhất là các thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm: Trứng, các loại thịt, gia cầm (gà, gà tây), hải sản hoặc các sản phẩm dạng dung dịch của thực phẩm.
Rửa sạch bằng nước nóng/xà phòng/nước rửa bát tất cả các dụng cụ chứa đựng, chế biến, dao thớt, bát, đĩa, nồi sử dụng trong quá trình chế biến các thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm: Trứng, các loại thịt, gia cầm, hải sản hoặc các sản phẩm dạng dung dịch của thực phẩm. Không rửa các loại trứng, thịt gia cầm, hải sản sống trước khi nấu vì việc rửa này có thể làm lây lan vi khuẩn gây bệnh sang các thực phẩm, đồ dùng và các bề mặt khác. Vệ sinh sạch sẽ bề mặt bếp, các nơi chế biến thực phẩm bằng các dung dịch vệ sinh, sát khuẩn có chứa chlorine.
Tách riêng, bảo quản riêng biệt các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng với các thực phẩm khác. Bảo quản trứng sống trong hộp đựng riêng, trong ngăn mát của tủ lạnh, không để trong cánh cửa tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ thích hợp. Bảo quản riêng biệt các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng với các thực phẩm để ăn ngay (như sa lát, nộm, thịt chín…). Dùng thớt, đồ đựng riêng biệt cho các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng.
Không đựng các thực phẩm đã nấu chín trong các đĩa, bát… dùng để đựng các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng hoặc các sản phẩm từ các thực phẩm này. Quan trọng nhất là cần nấu chín thức ăn.
BS Trần Ngọc Tùng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vi khuẩn Salmonella có thể gây bệnh nặng, các triệu chứng thường xuất hiện từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm. Triệu chứng điển hình bao gồm: Tiêu chảy và có thể có máu trong phân, sốt, đau quặn dạ dày. Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng 4-7 ngày mà không phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp bị tiêu chảy nặng phải nhập viện và điều trị kháng sinh.