Nguy cơ đối với sức khỏe trong những ngày nắng nóng kéo dài là không thể bỏ qua, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ, trong đó tình trạng say nắng, say nóng dễ xảy ra.
Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng đột ngột. Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến người bệnh mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... mà say nắng, say nóng còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời, có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.
BS Nguyễn Ngọc Uyển - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: Có thể phân biệt sự khác nhau giữa say nắng và say nóng. Say nóng thường diễn ra từ từ, nhiệt độ trung bình cơ thể tăng dần, có thể quan sát nhận ra được các biểu hiện căng thẳng nhiệt và thân nhiệt thường không vượt quá 40°C. Ngược lại, say nắng thường diễn ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường kèm theo tổn thương thần kinh nặng và có thể gây tử vong. Say nóng thường gặp về buổi chiều có nhiều tia hồng ngoại, khi làm việc ở những nơi nhiệt độ, độ ẩm cao, thông gió kém, còn say nắng thường xuất hiện khi làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém, thường vào thời điểm giữa trưa trời nắng gay gắt có nhiều tia tử ngoại.
Chuyên gia nhấn mạnh, đối với người bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng, “thời điểm vàng” để cấp cứu là trong vòng 1 giờ đồng hồ. Bởi nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả gần như đạt 100%. Ngược lại, nếu chậm cấp cứu và làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì 100% nạn nhân sẽ tử vong.
“Chính vì thế, trong cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường. Bằng mọi biện pháp, phải hạ nhanh nhiệt độ cơ thể trong “thời điểm vàng”. Đây là điều kiện tiên quyết để bệnh nhân thoát khỏi tử vong do say nắng, say nóng. Chỉ chuyển bệnh nhân về tuyến sau hoặc chuyển tới cơ sở hồi sức cấp cứu gần nhất nếu các biện pháp cấp cứu ban đầu không hiệu quả, không cải thiện nhanh về lâm sàng. Chú ý trên đường vận chuyển vẫn phải duy trì các biện pháp cấp cứu cơ bản, trong đó lưu ý các biện pháp hạ thân nhiệt” – BS Uyển hướng dẫn.
Để phòng, chống nguy cơ từ say nắng, say nóng, bác sĩ hướng dẫn, khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, người dân cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng. Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hoặc 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.
Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm... Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò rất có ý nghĩa trong việc phòng, chống bị say nắng, say nóng. Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
Vào mùa nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: Rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua; Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi. Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11°C chỉ trong 10 phút.
BS Nguyễn Ngọc Uyển - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, khi gặp người bị say nắng, say nóng cần đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát), đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ. Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch. Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể như cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân, sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi (bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt). Đắp khăn lạnh, hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ; cho người bệnh uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được.