Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng quá mức, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cơ thể con người không kịp thích nghi gây ra tình trạng sốc, hay còn gọi là say nắng.
Để cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trường ĐH Y dược TPHCM) cho biết, các nghiên cứu từ nước ngoài cho thấy khi nhiệt độ tối đa trong ngày dưới 32 độ C thì ít người bị sốc nhiệt, trên ngưỡng này số trường hợp sốc nhiệt gia tăng nhanh.
Khi bị sốc nhiệt, cơ thể giảm khả năng thanh thải nhiệt, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyên, vào những ngày nắng nóng (trên 40 độ) không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài trong những thời điểm nắng nóng gay gắt, cần mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành. Với những người lao động chân tay, nếu phải đi lại hay làm việc ngoài trời nắng không nên làm việc quá 60 phút liên tục dưới nhiệt độ cao, cần nghỉ ngơi bù nước giữa giờ làm hoặc khi thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt… Không cho trẻ em hay người già, người mắc các bệnh mạn tính tắm biển dưới trời nắng nóng quá 60 phút.
Vào thời điểm nắng nóng gay gắt, nên cho cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn. Cần nhớ rằng cơ thể con người có ngưỡng chịu đựng nhiệt độ nhất định. Không di chuyển dưới trời nắng liên tục trong thời gian dài, hãy tìm nơi có bóng râm để nghỉ. Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia UV có hại cho da và mắt.
Nhận biết triệu chứng và hướng xử trí
Sốc nhiệt hay say nắng thường có triệu chứng như đau nửa đầu, khó thở, buồn nôn hoặc nôn, nóng bừng mặt. Những triệu chứng sốc nhiệt nguy hiểm có thể xuất hiện như sốt cao, chóng mặt, ngất xỉu, nặng sẽ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh như mê sảng, rối loạn hô hấp như thở nhanh, rối loạn tim mạch, nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng hãy gọi bác sĩ. Nắng nóng dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt, mất nước do tiết nhiều mồ hôi, làm giảm khối lượng tuần hoàn máu dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi cảm thấy cơ thể nóng bừng, hoa mắt, váng đầu, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của kiệt sức do sốc nhiệt. Nếu bạn đang ở ngoài trời hãy tìm ngay một nơi râm mát để ngồi nghỉ hoặc vào những tòa nhà có điều hòa, nới lỏng quần áo.
Khi bạn hoặc một người nào đó có dấu hiệu sốc nhiệt như trên, cần tìm nước sau đó đổ lên đầu, vẩy nước lên người nạn nhân hoặc lấy khăn thấm nước phủ lên người. Người bị sốc nhiệt có thể da khô nhưng cũng có thể đổ mồ hôi đầm đìa, những trường hợp này đều là biểu hiện muộn của sốc nhiệt. Nếu cơ thể nóng bừng và không thể đổ mồ hôi, lúc đó có thể bạn đang bị mất nước, cần làm mát cơ thể bằng nước uống hoặc trực tiếp đổ nước lên người.
Sơ cứu khi trẻ mệt lả vì nắng nóng
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày trời nắng nóng gay gắt, đôi khi trẻ dễ bị tình trạng mệt lả khi nhiệt độ tăng cao, nhất là khi hoạt động, tập luyện thể lực nhiều giờ dưới trời nóng bức. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý, nếu trẻ có các triệu chứng như: Da lạnh, nhợt nhạt, ra mồ hôi, hoa mắt, ngất, yếu mệt cần sơ cứu ngay bằng cách:
- Khẩn trương gọi bác sĩ, tìm nhân viên y tế để được hướng dẫn.
- Đặt trẻ nằm ở nơi mát mẻ, thoáng khí.
- Cho trẻ uống vài ly nước lạnh (cách nhau 15 phút mỗi lần) cho đến khi trẻ thấy tỉnh táo hơn.
- Sau khi cho trẻ uống 2 - 3 ly nước, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ đánh giá tình trạng mất nước của trẻ và điều trị bù nước phù hợp.
- Trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế, vẫn tiếp tục cho trẻ uống nước.
Các bác sĩ cũng lưu ý, trong các trường hợp trẻ bị say nắng, say nóng, việc uống các thuốc hạ sốt như Ibuprofen hoặc Paracetamol cũng không làm trẻ hạ sốt.