Tại các diễn đàn liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), giới chuyên gia khẳng định, việc EVFTA được thực thi sẽ tạo một cú hích lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như các lợi ích khác về thể chế, thị trường...
Theo Bộ Công Thương, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, dịch bệnh Covid-19 hoành hành làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, tê liệt nhiều thị trường nên những lợi ích mà EVFTA mang lại cho cả hai bên chưa thể hiện thực hóa ngay được. Điều này được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định khi cho rằng, suy thoái kinh tế ở cả EU và Việt Nam do tác động của dịch Covid-19 sẽ khiến cho những lợi ích kinh tế mà EVFTA mang lại trong giai đoạn đầu triển khai sẽ không được như kỳ vọng.
DN hai bên chưa thể tận dụng hết các ưu đãi do gián đoạn chuỗi cung ứng, gián đoạn lưu thông. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi dịch bệnh được kiểm soát và các gói kích cầu kinh tế của hai bên đi vào hoạt động, thương mại hai bên sẽ bùng nổ mạnh mẽ.
Và tất nhiên, đây chính là thời điểm các DN Việt cần phải tận dụng để chuẩn bị những hành trang và có thể bứt phá ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo TS Lê Đăng Doanh, EU không phải là thị trường dễ tính, chúng ta tham gia EVFTA cũng đồng nghĩa chúng ta phải thích nghi và tuân thủ tất cả những quy chuẩn mà thị trường này đưa ra. Trong đó vấn đề về môi trường, quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng.
Trước đến nay, hàng hóa nông sản của chúng ta sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư hóa chất đều không được coi trọng.
“Tham gia EVFTA, tất cả những phương cách, tư duy sản xuất trước đây đều phải thay đổi nếu không sẽ khó tiếp cận được với thị trường này, khi đó, chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội vàng cho xuất khẩu mà chúng ta luôn kỳ vọng”- ông Doanh lưu ý.
Cũng nhấn mạnh đến những yếu tố được coi là “thách thức” đối với các DN Việt Nam khi tham gia EVFTA, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc cần làm lúc này của các DN Việt, đặc biệt là DN ngành nông sản đó là, tập trung nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Khi đã tham gia vào Hiệp định này, những DN làm ăn kiểu “chộp giật”, ăn xổi sẽ không có cơ hội tồn tại.