Tại cuộc làm việc của Bộ GDĐT với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ngày 21/9), Bộ GDĐT đề xuất, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo mô hình kỳ thi tốt nghiệp năm 2020, phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trách nhiệm triển khai của địa phương và cơ sở giáo dục đại học (ĐH).
Trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ phải thay đổi mục tiêu của kỳ thi, từ kỳ thi THPT quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT; các địa phương phải nỗ lực cao để tổ chức kỳ thi với mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh, vừa tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia; ban hành đầy đủ quy chế và hệ thống văn bản, tài liệu hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Đồng thời, chủ động, kịp thời gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, các bộ, ngành và cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Bộ cũng đã tổ chức xây dựng hệ thống phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm quản lý thi và tuyển sinh năm 2020, được cải tiến để tăng cường tính bảo mật, bảo đảm chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người sử dụng...
Kết quả, đợt 1 có gần 900.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 96,3% thí sinh đến làm thủ tục dự thi; 2,92% thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể dự thi. Đợt 2 có hơn 26.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 99% dự thi. Kết quả đợt 1 có 98,34% thí sinh đỗ tốt nghiệp, đợt 2 sẽ công bố điểm và kết quả tốt nghiệp ngay khi hoàn tất quy trình.
Trên cơ sở tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GDĐT cho biết sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và xin ý kiến các Sở GDĐT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bộ GDĐT chịu trách nhiệm chung, các địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ trong tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của Luật Giáo dục; cơ sở giáo dục ĐH tự chủ và chịu trách nhiệm về tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục ĐH. Nội dung thi (ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa) nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; đề thi được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu, hình thức tổ chức kỳ thi.
Hình thức tổ chức thi trên giấy; đồng thời, triển khai thí điểm để mở rộng dần thi trên máy tính. Đối với thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu). Bộ GDĐT sẽ tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chuẩn tổ chức thi trên máy tính; tổ chức thẩm định và giám sát việc đảm bảo các quy định về tổ chức thi trên máy tính đối với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn.
Bộ cũng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy chế, hướng dẫn và tổ chức thanh tra, giám sát công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT; hoàn chỉnh cơ chế, điều kiện thực hiện phân cấp để các Sở GDĐT địa phương chủ trì tổ chức thi tốt nghiệp THPT (các cơ sở giáo dục ĐH tham gia tổ chức kỳ thi chủ yếu ở hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát)...
Trước quan tâm của cử tri đề nghị Bộ GDĐT sớm hướng dẫn việc thi/xét tốt nghiệp THPT và ĐH phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, Bộ GDĐT cho biết: Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để có thể áp dụng từ năm học 2021-2022 bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.