Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Giao thông vận tải đề xuất dùng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe tạm thời, trừ phương tiện chở nhiên liệu, chất gây cháy nổ. Tuy nhiên, vấn đề này lại gây không ít băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng nếu chúng ta quản lý tốt thì có thể cho phép áp dụng. Nhưng phải lựa chọn vị trí chứ không phải nơi nào cũng làm được.
PV: Thưa ông, tại dự thảo Luật Đường bộ đang đề xuất dùng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe tạm thời. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ năm 2008, vấn đề trên đã được đưa ra bàn thảo, cân nhắc rất nhiều lần. Sau đó đã quyết định không đưa vào luật nữa bởi các đại biểu đã đặt ra rất nhiều lo ngại.
Tôi cho rằng, trông giữ xe tại các gầm cầu ở các đô thị là vấn đề đáng lưu ý. Vì cho trông giữ xe ở các gầm cầu khi xe ra, xe vào sẽ cản trở dòng xe chính đang lưu thông trên đường, tạo ra nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Đặc biệt nếu không kiểm soát được mà để các phương tiện chở các hàng nguy hiểm, ví dụ như: Xăng dầu, hóa chất, hàng dễ cháy, nếu mà xảy ra hỏa hoạn thì rất nguy hiểm.
Luật chưa cho phép nhưng thực tế đã diễn ra việc trông giữ xe ở các gầm cầu rồi, thưa ông?
- Hiện nay mới chỉ là thí điểm tại một số nơi, cho phép trông giữ xe tại các chân cầu cạn. Chứ còn luật chưa cho phép. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sơ kết, tổng kết việc thí điểm đó trước khi quy định, “luật hóa” vào trong luật. Căn cứ cơ sở để đưa vào trong luật phải dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn. Nếu chưa có tổng kết, đánh giá thực tiễn, lấy ý kiến rộng rãi mà quy định vào trong luật thì là chủ quan. Mọi cái không quy định, hay đưa vào quy định cũng cần có báo cáo, giải trình rõ ràng.
Nhưng từ năm 2008 đến nay thì mọi thứ đã thay đổi khá nhiều?
- Tôi cho rằng nếu cho phép thì chúng ta phải quản lý được. Chứ nếu như cho phép nhưng mà “thả ra”, giao cho ông A, bà B, làm tràn lan nếu không quản lý được sẽ gây ra nguy cơ ùn tắc giao thông, gây ra nguy cơ có thể phát sinh cháy nổ, ảnh hưởng đến công trình giao thông. Đó là cái tiềm ẩn rất lớn chúng ta cần chú ý.
Ở một số nước tiên tiến họ cho phép trông giữ xe tại các gầm cầu, nhưng theo đánh giá của ông tại sao lại khó áp dụng tại Việt Nam?
- Họ cho phép nhưng cho ở những vị trí như thế nào? Cho trông giữ những loại xe gì? Tất cả các cái đó được cơ quan quản lý cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng. Đúng là nếu chúng ta cấm tuyệt đối, không cho sử dụng khoảng không dưới gầm cầu cũng là lãng phí. Nhưng cho phép thì phải gắn liền với quản lý. Quản lý như thế nào để loại trừ các nguy cơ xảy ra cháy nổ, cũng như gây ùn tắc giao thông. Cho nên nếu chúng ta cho phép thì phải có sự quản lý, đảm bảo giảm thiểu tới mức thấp nhất những nguy cơ gây ùn tắc giao thông, gây nguy hiểm cho công trình.
Giả sử nếu cho phép thì chúng ta cho đấu thầu, quản lý tốt thì tiền thu về có thể tái đầu tư để xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốt hơn, thưa ông?
- Tôi cho rằng, nguồn thu đó nộp về ngân sách nhà nước không đáng là bao nhiêu. Đây không phải là Nhà nước thu toàn bộ về ngân sách. Việc này thường giao cho các công ty, cá nhân. Nếu là doanh nghiệp hay hộ kinh doanh sẽ hoạch toán doanh thu và cùng lắm thu được thuế VAT vào cho ngân sách. Bởi phần thu phải hoạch toán bằng doanh thu của họ để bù đắp cho chi phí của họ. Nhất là người thực hiện trông giữ xe phải trả chi phí lao động, nhân công quản lý, hoạch toán vào doanh thu dịch vụ để nộp thuế cho Nhà nước. Trước kia đã có việc giao cho Công ty Thanh niên xung phong tại TPHCM quản lý các bãi trông giữ xe. Nhưng sau đó đều báo lỗ, và chúng ta không thu được tiền.
Nhưng nghịch lý là chúng ta đang thiếu những bãi xe trông giữ xe tại các đô thị lớn, thưa ông?
- Việc tận dụng châm gầm cầu là nơi trông giữ xe cũng không giải quyết được bao nhiêu do khối lượng không được nhiều. Tôi nói ví dụ tại nơi có nhiều diện tích như Vành đai 3 thì toàn bộ dưới chân gầm cầu cũng không thể cho giữ xe. Vì nếu cho trông giữ xe, khi họ lấy xe ra, cho xe vào bãi một cách liên tục sẽ gây cản trở hết các dòng xe chính. Chỉ những chỗ ngã ba, ngã tư khi lên cầu vượt tại ngã ba, ngã tư đó thì có thể tận dụng tại các điểm nhỏ đó thôi. Còn toàn bộ các gầm cầu vượt ở các luồng giao thông chính sẽ rất khó để sử dụng toàn bộ để làm chỗ trông giữ xe được, vì nó cản trở các dòng xe chính đang lưu thông trên đường. Từ đó khiến ùn tắc giao thông sẽ ngày càng lớn. Trong khi mục tiêu chính của chúng ta đặt ra là đảm bảo cho giao thông được an toàn, lưu thông thông suốt chứ không phải thu ngân sách. Chỉ những chỗ nào không gây nguy cơ ùn tắc thì mới sử dụng được vào mục đích làm bãi trông xe.
Do đó theo tôi chỉ những chỗ không phát sinh gây ùn tắc, gây cản trở dòng phương tiện chính mới có thể cho phép làm bãi trông giữ xe. Vì dưới chân cầu đều là đường ở dưới, do cầu vượt bao giờ cũng làm ở giữa đường. Nếu bãi gửi xe ở dưới rõ ràng phải tiến - lùi để vào bãi, ra bãi. Như vậy cản trở hai dòng phương tiện chính đang lưu thông.
Có lẽ quan trọng nhất vẫn chính là cách quản lý, thưa ông?
- Đúng thế! Thứ nhất, nếu chúng ta quản lý tốt thì có thể cho phép áp dụng. Thứ hai, phải lựa chọn vị trí chứ không phải nơi nào cũng làm được. Phải chọn vị trí ít có nguy cơ gây cản trở, gây ùn tắc giao thông một cách tốt nhất. Nếu đáp ứng được các yếu tố đó thì chúng ta mới có thể cho phép.
Vậy nếu cho phép dùng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe tạm thời, trừ phương tiện chở nhiên liệu, chất gây cháy nổ thì biện pháp quản lý phải như thế nào, thưa ông?
- Các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chính quyền địa phương phải khảo sát thực tế từng điểm đó để xác định xem lưu lượng phương tiện như thế nào. Nếu cho phép thì từ giờ nào đến giờ nào, phải tránh giờ cao điểm, rồi xác định điểm chỗ ra - vào. Cho gửi những loại xe nào để ít tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Tất cả các cái đó cơ quan chức năng có thẩm quyền phải nghiên cứu để quản lý chứ cứ cho phép xong lại cho áp dụng tràn lan thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Theo ông, nếu cho phép áp dụng thì có giải quyết được vấn đề thiếu hụt các bãi gửi xe ở các thành phố lớn hiện nay hay không?
- Tôi cho rằng tác động giải quyết được nhu cầu đỗ xe là không nhiều. Ví dụ bởi những tuyến chính như Vành đai 3 chắc không ai dám cho trông giữ xe ở dưới gầm cầu. Trong khi đó chính nơi đó mới có diện tích lớn, giữ được nhiều xe. Chứ các chỗ cầu vượt, cầu sắt ở ngã ba, ngã tư thì có diện tích nhỏ, giữ được lượng xe không nhiều.
Cho nên muốn giải quyết vấn đề thiết hụt bãi gửi xe tại các thành phố lớn thì chúng ta cần các giải pháp thiết thực hơn. Từ quy hoạch cũng phải tính toán, chứ dựa vào chỗ gầm cầu vượt để trông giữ xe thì không hiệu quả. Trên các tuyến huyết mạch chính như Vành đai 3, Vành đai 2 hiện nay ở cầu Vĩnh Tuy nối về Ngã Tư Sở chẳng hạn thì hai bên đường xe đi nườm nượp suốt ngày, ai dám cho trông giữ xe. Tôi nhấn mạnh rằng, mục tiêu quan trọng nhất mà chúng ta đặt ra khi xây dựng luật là phải đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông chứ không phải chỉ mỗi câu chuyện kinh tế là cho gửi xe.
Trân trọng cảm ơn ông!