Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53, 62 và 91B tại ĐBSCL với tổng mức đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng cấp Quốc lộ 62 đoạn nút giao với đường Cao tốc TPHCM-Trung Lương) đến Km74 dài 69km, trên địa bàn Long An.
Với Quốc lộ 53, Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng cấp cầu Ngã Tư; đoạn Long Hồ-Ba dài khoảng 41km, trên địa bàn Vĩnh Long và Trà Vinh.
Trên Quốc lộ 91B, Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng cấp đoạn ngã 5 cầu Cần Thơ - Km143 dài khoảng 141km, trên địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Cả 3 tuyến quốc lộ này được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và lề đường rộng mỗi bên 0,5m. Một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ đã đảm bảo quy mô giữ nguyên theo hiện trạng.
Bộ Giao thông vận tải tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.330 tỷ đồng (gần 391 triệu USD); trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) trên 6.285 tỷ đồng (khoảng 263 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục gồm chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế, chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế, chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.
Phần đối ứng đối ứng của Chính phủ khoảng 3.044 tỷ đồng (tương đương 127 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác, chi phí giải phóng mặt bằng…
Dự án cải tạo nâng cấp 3 tuyến quốc lộ có thời gian thực hiện là 4 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2024-2027).
Một dự án khác liên quan Quốc lộ 91dự kiến khởi công quý III/2024, hoàn thành năm 2027. Đó là dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 (Km0-Km7) dài 7 km, đi qua hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy (đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong hiện hữu của thành phố Cần Thơ, tổng mức đầu tư 7.188 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.775 tỷ đồng.
Tại buổi kiểm tra mới đây, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu lưu ý, đây là công trình trọng điểm của thành phố. Giai đoạn đầu tập trung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, khi có mặt bằng ít nhất 70% mới tiến hành đấu thầu xây dựng.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, trong giai đoạn này việc quan trọng là tiến hành kiểm đếm, tính toán việc thu hồi đất thật chính xác để kỳ họp HĐND cuối năm 2023 sẽ thông qua cả chủ trương đầu tư và chủ trương thu hồi đất. Ưu tiên bố trí, tập trung nguồn vốn cho bồi thường, giải phóng mặt bằng chứ chưa thực hiện đấu thầu, chọn nhà thầu thi công. Khi có mặt bằng ít nhất 70% thì mới tiến hành đấu thầu để tránh phát sinh các vướng mắc.
Theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 91 là tuyến quốc lộ chính yếu khu vực phía Nam, có điểm đầu tại Cần Thơ, điểm cuối là Cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), chiều dài 135 km, quy mô cấp III, từ 2 - 6 làn xe.
Đoạn đi qua Cần Thơ có chiều dài khoảng 51km, điểm đầu giao với vòng xoay đường Trần Phú - Nguyễn Trãi - Hùng Vương (quận Ninh Kiều) và kết thúc tại cầu Cái Sắn, giáp ranh tỉnh An Giang.