Sáng ngày 15/3, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad và ĐSQ Australia tại Việt Nam đã tổ chức đối thoại biển lần thứ 2 với chủ đề: “Hợp tác nghề cá ở Biển Đông”.
Quang cảnh buổi đối thoại.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Hải Bình, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để bàn thảo về hợp tác nghề cá. Đặt vấn đề, tại sao hợp tác nghề cá lại được quan tâm, ông Lê Hải Bình nêu quan điểm, bởi đây là vấn đề vẫn còn khúc mắc giữa một số quốc gia trong khu vực. Chỉ riêng việc khai thác quá mức, khai thác bất hợp pháp và sự hủy diệt vượt quá sức chịu đựng của môi trường biển khiến trữ lượng cá ở Biển Đông hiện chỉ tương đương khoảng 5% nguồn cá của năm 1990 đã là điều đáng bàn.
Đó là chưa kể đến việc hợp tác nghề cá nếu nhìn rộng ra thì không phải chỉ là câu chuyện về kinh tế, mà còn về chính trị - xã hội, liên quan đến quyền hợp pháp của các quốc gia, trong khuôn khổ của UNCLOS 1982. Rồi việc bảo vệ hệ sinh thái biển cũng là vấn đề cần đặt ra..
Chia sẻ quan điểm của ông lê Hải Bình, ông Peter Girke, văn phòng KAS tại Việt Nam đánh giá, sau thành công của đối thoại biển lần 1 (tháng 12/2017) đây là lần thứ 2 các bên có quyền và lợi ích ở Biển Đông đã tổ chức đối thoại. Và, chủ đề “Hợp tác nghề cá ở Biển Đông” đã cho thấy thực tế vấn đề hợp tác, quản lý nghề cá là hết sức quan trọng. Với Việt Na, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế biển thì đối thoại chính là sự hợp tác nhằm thảo luận những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, không chỉ là hợp tác nghề cá mà còn là bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái Biển Đông. Ông Girke cho rằng, đối thoại bàn đến nhiều khía cạnh và sẽ là dịp chia sẻ kinh nghiệm giữa Trung quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam…
Đại úy Martin Sebastian, thuộc Viện Nghiên cứu biển của Malaysia từ kinh nghiệm của bản thân đã nhấn mạnh cách tiếp cận về việc đánh bắt cá.Theo đại úy Sebastian, một số điểm cần lưu ý trong việc đánh bắt cá, đó là: Đánh bắt cá không phải chỉ có cá mà có các loại động thực vật như hải quỳ và những loại quý hiếm khác. Vấn đề tội phạm hàng hải và những vấn đề liên quan đến mỗi quốc gia chứ không phải là vấn đề của khu vực. Dẫn số liệu từ một báo cáo, đại diện đến từ Viện nghiên cứu biển của Malaysia cho biết: Năm 2017 theo nghiên cứu, đánh bắt bất hợp pháp chiếm tới hàng chục tỷ đô la. Và việc trung chuyển từ tàu đánh bắt bất hợp pháp sang một tàu khác để hợp thức hóa nó đang diễn ra thường xuyên. Nhưng trong khu vực hưa có tổ chức có vai trò trung tâm để quản lý các vấn đề nảy sinh này. Mà điều nay không chỉ ảnh hưởng đến an ninh hàng hải khu vực; nếu cạn kiệt nguồn cá có thể ảnh hưởng đến an ninh dinh dưỡng; mất nguồn thuế; mất quyền xuất khẩu…
Đại úy Sebastian đánh giá: thời gian qua, việc bảo tồn nguồn cá có nhiều cơ chế, sáng kiến. Mục tiêu chính của chương trình phát triển LHQ là phải làm sao để các nước có đường tiếp giáp bờ biển phải có 10% lãnh hải là khu vực bảo tồn. Như thế, cần bổ sung vai trò của cơ quan liên chính phủ, an ninh bao gồm bảo vệ lãnh hải, đường bờ biển, tuần tra… Quan trọng là phải xây dựng được một cộng đồng bảo vệ bờ biển. Họ sẽ là người bảo vệ việc chống đánh bắt bất hợp pháp. Và, ông này nhắc lại quan điểm: Cần có một tổ chức là cơ quan điều phối và quản lý bờ biển ở Đông Á.
Chung quan điểm ấy, TS Vũ Thanh Ca, chuyên gia về biển của Việt Nam cho rằng: Biển Đông có hệ thống sinh thái lớn, với nhiều loại hải sản, nhưng hiện nguồn cá đang suy giảm, nhiều loài không thể sinh sản được ở khu vực biển này. Trong bối cảnh đó, việc thực thi quản lý mới chỉ ở cấp độ gần bờ chứ chưa vươn ra được đại dương. Vì thế, “Cần có quy chế mới, kiểu ban thư ký hay ban điều hành để các quốc gia đang quản lý độc lập sẽ có thể cùng quản lý chung.” ở vùng Biển Đông trong lĩnh vực hợp tác nghề cá.