Đem sức ta mà giải phóng cho ta

HOÀNG MAI 18/08/2022 11:16

Ngày 19/8 năm nay là tròn 77 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2022) - cuộc cách mạng long trời lở đất; cho thấy sức mạnh đại đoàn kết của một dân tộc. Đây cũng là cuộc cách mạng của một dân tộc hội đủ các truyền thống tốt đẹp hun đúc từ lịch sử hàng ngàn năm chống quân xâm lược - ấy là truyền thống anh hùng, bất khuất. Đó còn là kết quả của 15 năm đấu tranh (1930 - 1945) của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản và Hồ Chủ tịch kính yêu.

Sáng 19/8/1945, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, dự lễ mít tinh hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh tư liệu: TTXVN.

1.Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia; từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra những thời cơ chín muồi để đưa Cách mạng đến thành công.

Bàn về thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không thể không nhắc đến bài học về nắm bắt thời cơ, đề ra những quyết sách chính xác và kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện rõ trong việc ta đã dự báo đúng về tình thế để phân tích và đưa ra quyết sách đúng trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tiếp đến, trong vòng 5 tháng tính từ khi ra đời Chỉ thị đến khi Cách mạng thành công, Đảng ta đã có nhiều chủ trương đúng trong chuyển hướng đấu tranh cách mạng.

Tháng 5/1945, Bác Hồ có Thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành Mệnh lệnh khởi nghĩa, công bố Lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa)… Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền như Đảng ta dự báo đã đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh với quyết tâm và tấm lòng khao khát giành độc lập dân tộc đã khẳng định: “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

2. Vậy là, trong vòng 15 ngày từ ngày 13 đến 28/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" nhân dân ở khắp các tổng, các đơn vị hành chính đã đứng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn; từ nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam...

Những địa danh dồn dập báo tin vui khởi nghĩa thắng lợi như: Huế, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Rồi thắng lợi của Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Thậm chí, tại nhà tù Côn Đảo các chiến sĩ cách mạng cũng nổi dậy giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”

3.Cách mạng Tháng Tám thành công như đã nói là do Đảng ta đã biết vận dụng tốt thời cơ và trước đó đã nhận định đúng, đưa ra những quyết sách đúng về thời cơ giành chính quyền.

Trước tình hình ngày càng khẩn trương và cấp bách, đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (từ ngày 10 - 19/5/1941), họp tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị nhận định: Ở Việt Nam và Đông Dương lúc này, mâu thuẫn đòi hỏi phải giải quyết cấp bách nhất là mẫu thuẫn dân tộc với đế quốc phát xít Pháp - Nhật.

Từ đó, Hội nghị quyết định những vấn đề quan trọng. Mục tiêu của Đảng ta là giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương khỏi ách cai trị của Pháp - Nhật. Bởi: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Khẳng định thay đổi chiến lược cách mạng của Hồ Chí Minh và trung ương Đảng với quyết tâm “quyền lợi của giai cấp, của bộ phận phải đặt dưới quyền sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc” tức là Tổ quốc, dân tộc trên hết.

Nói đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám có lẽ giới nghiên cứu sẽ còn phải tốn không biết bao nhiêu giấy mực nhưng với người Việt Nam, đây hẳn nhiên là lời lên tiếng đáp trả mạnh mẽ hơn bao giờ hết về sự hiện diện, thống trị của ngoại bang trên đất nước ta. Đó còn là sức mạnh của lời hiệu triệu khi mà một Đảng mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo 25 triệu người dân Việt Nam ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm đứng lên “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”, tự đem sức ta mà giải phóng cho ta, vùng lên giành chính quyền thành công, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập.

Có độc lập điều đó đồng nghĩa với việc người Việt Nam sẽ có quyền tự do trên chính Tổ quốc mình. Điều này chỉ những dân tộc, chỉ những người dân phải sống thống khổ trong đêm trường nô lệ mới thấm thía ý nghĩa sâu xa của độc lập-tự do- tự chủ. Những người dân Việt Nam từ ấy đã gỡ bỏ được tâm lý của người dân mất nước và bước lên vị thế của chủ nhân đất nước. Từ đây, họ có thể làm chủ vận mệnh của dân tộc và vận mệnh của bản thân.

4. Nhờ có Cách mạng tháng Tám và bài học Việt Nam, nhiều dân tộc trên thế giới đã có thêm dũng khí để đứng lên đấu tranh, xóa bỏ chế độ phát xít, chế độ thực dân tại đất nước mình. Thực như thế, sau Cách mạng Tháng Tám nhiều quốc gia khác đã chiến đấu và chiến thắng chủ nghĩa phát xít, đã tuyên bố độc lập. Điều này trước nay (tính đến thời điểm Việt Nam làm Cách mạng Tháng Tám) chưa từng có.

Nguyên nhân sâu xa thắng lợi của ta trong cuộc Cách mạng Tháng Tám không gì khác là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được khơi gợi và phát huy cao độ vào đúng thời điểm quan trọng quyết định. Mỗi người dân Việt Nam dù già trẻ, gái trai, lớn bé từ khi sinh ra dường như đã có tinh thần yêu nước chảy trôi trong huyết quản.

húng ta không chỉ sản sinh ra một Thánh Gióng ba tuổi đã đi đánh giặc Ân; mà hình tượng Thánh Gióng đã cho thấy ý chí quật cường, tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm là “đặc sản” của mỗi người Việt Nam dù ở lứa tuổi nào. Một truyền thuyết thôi đã cho thấy, tinh thần yêu nước có trong ý thức của mỗi người. Chính tinh thần ấy khi được phát huy đã đem lại sức mạnh to lớn cho dân tộc. Và chúng ta đi qua bao cuộc trường chinh, đạt được bao thắng lợi cũng từ chính sức mạnh ấy. Sức mạnh ấy gặp được người chỉ huy lỗi lạc là Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu thì trở thành sức mạnh vô biên.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vì thế là thắng lợi quyết định con đường giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam; là thắng lợi mang tầm vóc quyết định con đường mà Đảng ta và nhân dân ta đã kiên trì lựa chọn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đem sức ta mà giải phóng cho ta