Dù nhiều địa phương đã thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đưa mọi hoạt động của xã hội về trạng thái bình thường mới, tuy nhiên việc đi lại của người dân bằng phương tiện cá nhân giữa các tỉnh thành vẫn gặp nhiều khó khăn.
Mỗi nơi một quy định…
Nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện các quy định mới về việc đi lại của người dân, trong đó có việc bãi bỏ giấy đi đường, tạo điều kiện cho người dân làm ăn kinh tế. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, việc triển khai các quy định mới này mỗi nơi làm một kiểu, người dân vẫn chưa được đi lại tự do giữa các tỉnh.
Nhiều trường hợp khi đến ranh giới của các tỉnh khác nơi thì cho qua, nơi lại bắt quay đầu gây không ít khó khăn cho người dân. Trong khi ở thời điểm hiện tại, nhu cầu phát triển kinh tế để trở lại cuộc sống bình thường của người dân là rất lớn.
Mặt khác, hoạt động vận tải bằng đường sắt, đường hàng không vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Nhu cầu vận tải bằng đường bộ rất lớn. Mới đây, Bộ GTVT cũng đã ban hành Quyết định 1777/QĐ-BGTVT quy định thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ, áp dụng từ ngày 13 - 20/10/2021. Quy định này chỉ áp dụng với hoạt động vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định bằng xe ô tô có điểm đi hoặc đến nằm trong vùng nguy cơ dịch bệnh rất cao, hoặc nguy cơ cao đi/đến địa phương nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn và ngược lại.
Với các địa phương có nguy cơ, hoặc địa phương "bình thường mới" thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường như khi chưa bùng phát dịch (không yêu cầu về điều kiện xét nghiệm, tiêm vacine với hành khách; không hạn chế tần suất khai thác; khách chỉ cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế).
Tuy nhiên, việc đi lại bằng phương tiện cá nhân trong nhiều trường hợp vẫn được người dân ưu tiên sử dụng vì họ được di chuyển nhanh chóng, chủ động giải quyết các công việc cần thiết.
Cần hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế
Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch ngày 9/10 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức lưu thông, giao thông vận tải trên tinh thần chung là thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ theo từng địa phương; thực hiện từng bước, theo lộ trình để đảm bảo an toàn, hiệu quả; kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tốc độ bao phủ vaccine của Việt Nam đang tăng rất nhanh, hiện tốc độ tiêm có thể đạt trung bình 1,5 triệu mũi mỗi ngày. Tính đến ngày 8/10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy, đã có 74 triệu liều vaccine về tới Việt Nam.
Thực tế này cho thấy, đây là tín hiệu để có thể để người dân có thể được tự do đi lại trong điều kiện an toàn.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội (khóa XV) cho biết: “Việc người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể đi lại bình thường giữa các địa phương bằng phương tiện cá nhân là điều rất cần thiết và phải thực hiện sớm. Vaccine là để đạt miễn dịch cộng đồng nên những người đạt miễn dịch rồi phải để họ tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh, cần thiết phải có sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ Y tế để hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên quan đến các đối tượng nào được phép tự do đi lại, quy định ra sao để các địa phương không rơi vào tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.