Hôm nay, ngày 6/12, theo kế hoạch, học sinh trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã/phường/thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 được trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, trưa ngày 5/12, Sở Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh lại. Theo đó, đối với học sinh lớp 12 sẽ chia một nửa học trực tiếp, một nửa học trực tuyến luân phiên nhau.
Dẫu thế thì đây cũng vẫn là tin vui với đông đảo phụ huynh, học sinh, nhà trường Thủ đô. Vì đã quá lâu rồi, chúng ta đón đợi “ngày mở cửa trường”. Trước đó, giữa tháng 11, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đồng ý cho học sinh khối lớp 9 tại các đơn vị xã/phường/thị trấn của 17 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 và trong 14 ngày không có các ca F0 trong cộng đồng được đến trường học trực tiếp.
Từ đó đến nay, tình hình các nhà trường đã tổ chức dạy trực tiếp vẫn ổn định.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố cũng đã quyết định từ ngày 13/12, học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông học trực tiếp hay trực tuyến tùy theo cấp độ dịch của quận, huyện. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, TP HCM cho học sinh đến trường muộn hơn so với Hà Nội 1 tuần, nhưng hơn ở chỗ đầy đủ các bậc học.
Thông tin học trực tiếp tại trường của hai thành phố lớn, đông dân nhất cả nước thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Người dân dõi theo với nhiều hy vọng, cầu mong mọi sự bình an.
Để học sinh được đến trường, ngành giáo dục các địa phương đã lên kế hoạch chi tiết, cụ thể ứng phó với diễn biến xấu của dịch Covid-19. Trước khi mở lại, tất cả các trường đều đã khử khuẩn, làm vệ sinh sạch sẽ. Cả giáo viên và học sinh đều được hướng dẫn kĩ lưỡng cách phòng dịch cho cá nhân và mọi người. Đặc biệt, Hà Nội và TP HCM đã tiêm vaccine cho hầu hết học sinh từ lớp 9 đến lớp 12.
“Mở cửa trường” là đúng đắn và cần thiết khi mà nhiều hoạt động xã hội đã khôi phục trở lại, giãn cách nới lỏng, tỷ lệ bao phủ vaccine cao, chuyển từ “không Covid” sang “sống chung” an toàn với virus khi mà Covid-19 được thế giới xác định như một bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh thời gian qua cho thấy cũng không thể chủ quan.
Kể từ ngày 1/10, sau khi về cơ bản đã kiểm soát được nguồn lây cũng như số ca nhiễm mới, số ca tử vong, chúng ta đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Trong tháng 10, tình hình kiểm soát dịch tương đối khả quan. Nhưng hơn 1 tháng qua, dịch bệnh đã trở lại với những diễn biến mới.
Tại nhiều tỉnh Tây Nam bộ, số ca mắc mới gia tăng mạnh. Đặc biệt gần đây với thành phố Cần Thơ, số mắc mới có ngày đã lên tới gần 1.000 ca. Bến Tre vốn là tỉnh miền Tây rất ít ca nhiễm trong suốt đợt dịch lần thứ 4, thì nay cũng có khá nhiều ca dương tính. Đáng lo ngại là trong khi số ca mắc mới tăng trở lại ở phía Nam thì số ca tử vong cũng chưa kéo giảm được.
Với các tỉnh phía Bắc, dịch Covid-19 cũng trở nên căng thẳng hơn trong vòng một tháng qua. Các tỉnh miền núi cũng xuất hiện những ổ dịch, trong đó đáng chú ý là tỉnh biên giới Hà Giang số ca dương tính với SARS-CoV-2 đang gia tăng. Đặc biệt với Hà Nội, 30/30 quận huyện đều có ca lây nhiễm, số ca xét nghiệm dương tính trong vòng 4 ngày qua đều ở con số trên 500 ca/ngày. Đáng lo ngại hơn chính là số ca lây nhiễm trong cộng đồng chiếm tỷ lệ cao.
Vì thế, như đã nói, việc cho học sinh trở lại trường là đúng đắn và cần thiết nhưng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cũng như sẵn sàng phương án nếu có F0 xuất hiện trong trường học lại càng cần phải hết sức tỉ mỉ. Điều đó đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, ngành y tế và chính quyền phường/xã. Không thể để nhà trường “tự bơi” trong khi bên ngoài cổng trường dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp. Đối với các bậc phụ huynh, việc hướng dẫn, chuẩn bị chu đáo các vật dụng bảo vệ sự trước xâm nhập của virus cho con em mình cũng vô cùng quan trọng.
Do đặc điểm lứa tuổi, các em có thể không ý thức được hết nguy cơ dịch bệnh, thì chính lúc này đây, khi một bộ phận học sinh đến trường học trực tiếp lại càng cần nhiều hơn nữa tình thương và trách nhiệm của người lớn.