Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1977 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, mở ra một thời kỳ phát triển mới của khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc 21 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, thu non sông về một mối, mở ra thời kỳ độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc thống nhất ba tổ chức mặt trận thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một yêu cầu tất yếu của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Sau Hiệp định Genevơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền: Miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam tạm thời bị đế quốc Mỹ và tay sai thống trị. Ở miền Bắc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (được thành lập ngày 10/9/1955) đã động viên mọi tầng lớp nhân dân, thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (được thành lập ngày 20/12/1960) và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam (được thành lập ngày 20/4/1968) đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc và mọi người dân yêu nước siết chặt hàng ngũ chiến đấu, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai.
Bước sang thời kỳ hòa bình, toàn Đảng, toàn dân ta cần tập trung mọi sự nỗi lực vào việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức và quản lý đất nước, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, cải thiện đời sống của nhân dân cả nước. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” được thay bằng khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước được tổ chức thành công, với 98,77% tổng số cử tri cả nước tham gia bầu cử, đã bầu được 492 đại biểu Quốc hội. Từ ngày 24/6 đến ngày 2/7/1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã họp kỳ họp thứ nhất tại Hà Nội, quyết định các vấn đề về thể chế, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Quốc hội, thông qua Nghị quyết khẳng định tính liên tục của Quốc hội cả nước từ sau Cách mạng Tháng Tám, cử ra Ủy ban dự thảo Hiến pháp, quyết định đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ nguyên Quốc kỳ, Quốc ca và Thủ đô.
Thành phố Sài Gòn - Gia Định được vinh dự mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội tiến hành bầu các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước, Hội đồng Chính phủ, Hội đồng Quốc phòng, Chánh án Tòa an nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976 đã xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”.
Nghị quyết Đại hội nêu rõ quan điểm về tổ chức, tính chất, nhiệm vụ của Mặt trận Dân tộc thống nhất: “Ngày nay, Mặt trận Dân tộc thống nhấttrong cả nước bao gồm nhiều chính đảng, đoàn thể, giai cấp, tầng lớp khác nhau, lấy liên minh công nông làm cơ sở, do Đảng ta lãnh đạo, mang tính chất yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; mục tiêu chung của mọi thành viên trong Mặt trận là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Mặt trận có nhiệm vụ củng cố khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc anh em, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong xã hội, phát huy nhiệt tình cách mạng và tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân, động viên toàn dân thi đua xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Thực hiện Quyết định số 253-NQ/TW, ngày 24/5/1976 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân và thống nhất Mặt trận, công tác chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất được tiến hành chu đáo, thận trọng. Hội nghị liên tịch giữa ba tổ chức mặt trận của hai miền ngày 15/6/1976 đã ra Lời kêu gọi sớm thống nhất Mặt trận đoàn kết dân tộc trong cả nước. Hội nghị trù bị Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất cả nước họp phiên đầu tiên vào ngày 6/7/1976 tại Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh: Cách mạng đã chuyển giai đoạn, đòi hỏi phải củng cố và mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân để làm hậu thuẫn vững chắc cho Nhà nước.
Hội nghị cho ý kiến bước đầu về dự thảo Cương lĩnh, Điều lệ và cơ cấu tổ chức cơ quan lãnh đạo toàn quốc của Mặt trận. Hội nghị trù bị thứ hai được tiến hành trong 2 ngày (ngày 1 và 2/10/1976) tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã tập trung thảo luận về dự thảo Cương lĩnh, Điều lệ, Chương trình hành động và bàn sâu về tổ chức, phương thức hoạt động của Mặt trận, nhất là công tác mặt trận cơ sở. Hội nghị trù bị lần thứ ba họp từ ngày 24/1 đến ngày 28/1/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, xem xét lại toàn bộ công tác chuẩn bị Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất.
Từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại Hội trường Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam được tổ chức trọng thể, quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là lần thứ hai tổ chức Đại hội toàn quốc và có đông đủ nhất đại biểu của cả nước.
Sau Lời khai mạc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ông Hoàng Quốc Việt đã trình bày Báo cáo chính trị của Ban trù bị Đại hội, tổng kết những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và tính chất thời đại sâu sắc trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta; sự lớn mạnh và những cống hiến to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất đối với sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
Báo cáo khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã luôn luôn tồn tại và phát triển, không ngừng được mở rộng và củng cố. Đó là một trong những nhân tố thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là vũ khí chính trị vô cùng sắc bén để nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp của mình trong cuộc đất tranh đánh đổ kẻ thù chung của dân tộc, giành độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới”, “Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam cần có bước phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới”.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Mặt trận chúng ta và các tổ chức thành viên phải nói tiếng nói của quần chúng, phát huy vai trò của nhân dân xây dựng chế độ làm chủ tập thể và trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội. Phải tuyên truyền giáo dục cho công dân Việt Nam ra sức làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc, đối với Nhà nước, đối với xã hội, đồng thời đấu tranh ngăn ngừa những hành động vi phạm đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, xâm phạm lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân.
Mặt trận và các đoàn thể phải tạo ra phong trào cách mạng sâu rộng và liên tục của quần chúng, trong công nhân, nông dân, trí thức, trong thanh niên, phụ nữ, quân đội, trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, cổ vũ lòng hăng hái, phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động của quần chúng, chuyển chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến, cứu nước thành chủ nghĩa anh hùng trong lao động, xây dựng Tổ quốc, làm cho phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa thật sự là ngày hội của quần chúng”.
Đại hội thông qua Chương trình chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 8 điểm: 1)Xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; 2)Xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; 3)Xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa; 4)Chăm sóc đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; 5)Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội; 6)Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền và tôn trọng tự do tín ngưỡng; 7)Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; 8)Đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội. Đại hội thông qua Điều lệ mới, trong đó đề ra 5 nguyên tắc làm việc: Thương lượng; dân chủ; thống nhất hành động; tôn trọng tính chất độc lập của các tổ chức; thân ái hợp tác, phê bình và tự phê bình, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Đại hội nhất trí cử 191 vị vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, suy tôn Chủ tịch Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận gồm 44 ủy viên, do ông Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch.
Ban Thư ký gồm 7 người, do ông Nguyễn Văn Tiến làm Tổng Thư ký, ông Vũ Đức làm Phó Tổng Thư ký; ông Tôn Thất Dương Kỵ, bà Bùi Thị Nga, Luật sư Đỗ Xuân Sảng, ông Hồ Xuân Sơn và Giáo sư Nguyễn Tấn Gi Trọng làm ủy viên Ban Thư ký.
Đại hội ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài: “đã đoàn kết hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khí phách anh hùng và tinh thần cách mạng tiến công, ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chương trình chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Đại hội đã Quyết định thống nhất tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa gọn vừa đủ nghĩa. Hai tiếng Tổ quốc vô cùng thiêng liêng. Hai tiếng Tổ quốc kêu gọi trái tim Việt Nam, thúc giục mọi khối óc Việt Nam phải làm cho Tổ quốc giàu mạnh.
Trong bối cảnh các tổ chức Mặt trận đã thống nhất, việc có một tờ báo chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một đòi hỏi khách quan và cấp bách. Ngày 5/2/1977, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Quyết định số 30-QĐ/MTTW về việc thành lập Báo Đại Đoàn Kết, tiền thân là báo Cứu Quốc.
Trên cơ sở có sự chuẩn bị tích cực và chủ động, ngay trong ngày thành lập, Báo Đại Đoàn Kết đã ra số đầu tiên hết sức ấn tượng và ý nghĩa tập trung phản ánh sự kiện đặc biệt của cách mạng Việt Nam: Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1977 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, mở ra một thời kỳ phát triển mới của khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội.
Vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từng bước được bổ sung, hoàn thiện về cả lý luận và hoạt động thực tiễn. Đó là sự kế thừa, tiếp nối, phát triển từ những tư tưởng, nguyên tắc được khởi xướng từ Đại hội thống nhất ba tổ chức mặt trận năm 1977 - được coi là Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:
1/Tập Đoàn Novaland
2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam
4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt
5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank
6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank
7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV
8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam
9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.
10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi