Cho đến nay, Luật Di sản văn hóa vẫn chưa đề cập đến khái niệm di sản văn hóa đô thị. Do vậy, việc bảo vệ loại hình di sản này còn gặp nhiều khó khăn. Những đô thị có giá trị về lịch sử, văn hóa đang mất dần dấu ấn và có nguy cơ bị phá bỏ, thu hẹp.
Di sản đô thị mất dần
Di sản văn hóa đô thị ở nước ta mang đậm dấu vết của thời gian, lịch sử, chứa đựng lớp lang văn hóa. Tuy nhiên, đến nay, các di sản đô thị không được kiểm kê, xếp hạng, đồng nghĩa với việc không được Luật Di sản văn hóa bảo vệ bằng hệ thống khung pháp lý như các di tích, di sản văn hóa phi vật thể.
Ở Hà Nội, không khó nhận ra sự biến mất nhanh chóng của nhiều biệt thự cũ trên các tuyến phố trung tâm Thủ đô trong khoảng chục năm trở lại đây.
Dư luận vẫn chưa quên sự việc dãy nhà 2 tầng 4 mặt phố, có địa chỉ tại 61 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội), cách Quảng trường Ba Đình lịch sử vài trăm mét vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn, nhưng đã bị tháo dỡ để nhường chỗ cho một dự án tòa cao ốc 11 tầng nổi, 6 tầng hầm.
Trước đó, nhiều biệt thự cổ đã bị xóa sổ để thay thế bằng những dự án nghìn tỷ. Có thể nhắc đến việc ngôi biệt thự cổ (nhóm 2) thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 ngõ 128C Đại La (quận Hai Bà Trưng) bị phá bỏ để phục vụ dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở theo quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của TP Hà Nội, khiến nhiều người tiếc nuối.
Cùng với đó là không ít di tích lịch sử của Hà Nội đã bị “bao vây”, nằm sâu trong những con hẻm chật chội. Sự kết nối lịch sử, văn hóa từ những ngôi nhà cổ cho đến các công trình kiến trúc Pháp đã bị đứt đoạn. Phố cổ cũng đang dần mất đi sự cổ kính, xuất hiện đủ sự hỗn tạp đã khiến cho quy hoạch bị phá vỡ.
Hay như cây cầu Long Biên là điểm nhấn kiến trúc quan trọng trên sông Hồng, nối hai trung tâm, là di sản văn hóa của Thủ đô, nhưng bao năm qua vẫn chưa được công nhận là di sản để được bảo vệ. Nói về câu chuyện này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, phải nhận diện giá trị của cây cầu là một di sản và sớm được công nhận.
Hầu hết các di sản đô thị nằm ở những vị trí đắc địa, vì thế khả năng bị xóa sổ ngày càng cao. Không chỉ Hà Nội mà ở Sài Gòn và nhiều đô thị khác cũng đang dần đánh mất những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa.
Cần sớm luật hóa
Có một thực tế, di sản đô thị là một di sản sống và thu hút lượng khách du lịch lớn, đơn cử như Huế, Hội An… những vùng đất thu hút du khách bằng chính các di sản văn hóa. Chính bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, để các đô thị có thể phát triển nhờ du lịch, cần sớm luật hóa di sản đô thị, để tạo hành lang pháp lý bảo vệ di sản văn hóa. Khi đó đô thị có giá trị lịch sử văn hóa không những được duy trì, bảo vệ mà còn ngăn chặn được tình trạng phá vỡ quy hoạch đang diễn ra như hiện nay.
Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng về di sản đô thị, đó là một thực thể sống. Chủ sở hữu của di sản chính là cộng đồng cư dân của đô thị ấy. Cuộc sống của người dân vẫn phải tiếp tục. Bởi thế, theo nhiều chuyên gia, cần phải duy trì chứ không phải là bảo tồn. Duy trì là biện pháp giữ gìn di sản trong dòng chảy cuộc sống, chứ không phải bảo tồn một cách cứng nhắc.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, người đã bỏ ra nhiều tâm huyết, công sức để nghiên cứu cũng như góp phần gìn giữ những bản sắc của văn hóa Việt Nam cho rằng, để duy trì di sản đô thị khả thi là sự giải quyết mối quan hệ tự nhiên, thường đối kháng giữa bảo tồn và phát triển. Bảo tồn đặc điểm và giá trị của những di sản đô thị. Đồng thời tiếp tục sử dụng chúng như những tài sản đô thị. Di sản đô thị cần được công nhận để đảm bảo tính khả thi.
“Công cụ quản lý bảo tồn di sản đô thị là những bản quy hoạch chi tiết về cải tạo các khu di sản. Bởi quy chế quy định các công trình kiến trúc đường phố và cảnh quan cần được bảo tồn hoặc cải tạo theo các cấp độ giá trị khác nhau” - ông Kính nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, việc gìn giữ di sản đô thị phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn của người lãnh đạo, bản lĩnh của các nhà quy hoạch và ý thức cộng đồng của cư dân. “Đối với các nhà đầu tư, chúng ta phải sử dụng hành lang pháp lý để bảo vệ di sản trước tính toán của họ. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có thể bổ sung khái niệm di sản đô thị vào Luật Di sản văn hóa sửa đổi mới có thể bảo vệ được các di sản đô thị” – ông Huy nêu quan điểm.