Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa, phát huy nâng lên và ngày càng hoàn thiện với tầm nhìn sâu rộng về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổng Bí thư hội tụ đầy đủ nhất qua cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”. Đây thực sự là di sản quý báu của Tổng Bí thư để lại cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân ta trên con đường xây dựng, phát triển đất nước.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, nhiều bài phát biểu quan trọng về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư cũng đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số, quan tâm đến đoàn kết tôn giáo thông qua các chuyến thăm, làm việc với đồng bào các dân tộc thiểu số; với các tổ chức tôn giáo. Ông cũng tham dự nhiều Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các khu dân cư và để lại nhiều chỉ đạo quan trọng về đoàn kết, đại đoàn kết.
Đặc biệt, quan điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc được nâng tầm, thể hiện trọn vẹn, đầy đủ nhất qua cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản xuất bản năm 2023.
Ba phần của cuốn sách gồm: Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới đất nước đã nêu hệ thống quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và việc phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân.
Cuốn sách của Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ nước. Lịch sử đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm cũng như chống chọi với thiên tai. Chính hoàn cảnh đó đã hun đúc nên con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có một truyền thống vô cùng quý báu, đó là tinh thần đoàn kết.
Lịch sử đã chỉ ra rằng: Chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh để có thể “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, và đúc kết từ thực tiễn của Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”.
Tinh thần đoàn kết muôn người như một đã tạo thành sức mạnh giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành và bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ quốc cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập. Gần 40 năm đổi mới, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, để xây dựng đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh bài học này bằng những cách nói dễ hiểu, dễ nhớ với mọi người: “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Đây không chỉ là tinh thần đoàn kết, thống nhất mà còn là bài học về ý chí, hành động phải triệu người như một của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân ta ở mọi miền Tổ quốc trong tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ nội hàm của đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là tổng hòa của các mối quan hệ đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, giới, thành phần kinh tế, các vùng, miền; giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, trên nền tảng của liên minh công nhân - nông dân - trí thức, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; là đoàn kết với bạn bè quốc tế. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Với nội dung toàn diện ấy, những kết quả trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam thời gian qua đã giúp chúng ta vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn do tác động của mặt trái toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường.
Đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt. Tổng Bí thư đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, lấy đó làm nền tảng cốt lõi cho mọi hoạt động, ở tất cả các cấp. Cuốn sách đã nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ trong hệ thống Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội phải lấy “an dân làm cốt, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sự đồng thuận của nhân dân”.
Đặc biệt, để tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư đã nêu ra những giải pháp cơ bản. Trọng tâm là giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm hạt nhân cho đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn coi việc giữ gìn đoàn kết thống nhất trên cơ sở đường lối chính trị và các nguyên tắc xây dựng Đảng; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết. Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn, với xu thế của thời đại, với nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân. Việc xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật phải hướng vào khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam; động viên nhân dân phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; đi sâu, đi sát vào các tầng lớp nhân dân để nắm được những nhu cầu chính đáng của họ, thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì công việc.
Với 80 năm tuổi đời và hơn 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tầm tư tưởng, lý luận kiệt xuất về đại đoàn kết toàn dân tộc qua rất nhiều bài viết, bài phát biểu, đặc biệt là trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”. Một trái tim lớn đã ngừng đập để người cộng sản kiên trung, trí tuệ và mẫu mực ấy trở về với “thế giới của người hiền” nhưng tư tưởng, tình cảm, trái tim, khối óc của ông vẫn tiếp tục soi sáng sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Từ chỗ chỉ nói đoàn kết, rồi nói đại đoàn kết toàn dân, rồi phát triển lên thành đại đoàn kết toàn dân tộc là những cột mốc đánh dấu sự đổi mới và phát triển quan trọng về tư duy nhận thức và lý luận đối với chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta, theo chiều hướng ngày càng mở rộng về biên độ, từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ còn những “xơ cứng” đến ngày càng cởi mở hơn”. (Sđd, tr.25)
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần “hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”, đi sâu, đi sát vào các tầng lớp nhân dân, tìm hiểu nhu cầu của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia giám sát và phản biện xã hội. Chỉ có nắm được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân mới có thể đại diện và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. (Sđd, tr.46)
“Cán bộ Mặt trận phải luôn luôn ghi nhớ rằng, nhân dân chỉ nghe theo, tin theo mình khi nhân dân thật sự tin tưởng mình, khi cán bộ Mặt trận thật sự là những tấm gương thuyết phục nhất. Do đó, mỗi cán bộ Mặt trận phải thường xuyên rèn luyện mình, tu dưỡng đạo đức, phải trở thành những tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng và dân được nhờ”. (Sđd, tr.50)
“Thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là: Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc”. (Sđd, tr.165)