Sở hữu kho tàng đồ sộ dưới lòng đại dương, thế nhưng việc nghiên cứu, khảo sát… các di sản văn hóa biển tại Việt Nam cứ triển khai là lại nảy sinh vô số khó khăn. Bằng sự hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) và Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc, những nguồn sử liệu được nước bạn cung cấp đang hé mở nhiều bất ngờ.
Công tác nghiên cứu, khai quật di sản văn hóa biển.
Nguồn sử liệu quý giá
Mới đây BTLSQG phối hợp với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Di sản văn hóa biển Việt Nam”. Tại buổi tọa đàm, với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc và đặc biệt những nguồn sử liệu quý giá do nước bạn cung cấp đã làm chính các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nước bất ngờ.
Cụ thể, các chuyên gia Hàn Quốc đã đưa ra các dẫn chứng sử liệu khá chi tiết như sự xuất hiện của Việt Nam trong lịch sử Hàn Quốc. Trong đó, nước Việt Nam đã được ghi chép của chính sử Hàn Quốc, mà cụ thể là cuốn “Choson Hoàng Triều thực lục”. Trong đó, theo thống kê sự xuất hiện của Việt Nam trong chính sử “Choson Hoàng Triều thực lục” có khoảng 84 bài viết. Đặc biệt, nguồn gốc để viết bài về Việt Nam “đa số thuộc tư văn do triều đình Trung Quốc gửi sang”.
Ngoài ra nguồn sử liệu riêng được ghi chép riêng lẻ chủ yếu của các sứ thần Choson, họ không trực tiếp đi sang Việt Nam mà chỉ giao lưu với các sứ thần Việt Nam ở Trung Quốc thông qua cách cùng nhau làm thơ và trao đổi về thơ văn là chính.
Trong số nguồn sử liệu được được nước bạn Hàn Quốc cung cấp còn có bộ “Quế uyển bút tập canh” của Choi Chi Won. Đây là một học giả người Hàn Quốc nhưng từ nhỏ đã sang nhà Đường du học và có 4 năm làm quan tổng quản cho Cao Biền, ông đã được tin tưởng giao phó nhiều công việc soạn thảo văn bản quan trọng. Sau đó ông trở về nước và tiến hành biên soạn lại các bài viết của mình trong thời gian ở nước Đường, ấn phẩm đó là “Quế uyển bút tập canh” gồm 28 tập.
Trong tác phẩm trên có đề cập đến tập tục, chế độ, phong tục của Việt Nam nhưng qua lăng kính của Trung Quốc vì ông không trực tiếp đến Việt Nam. Các chuyên gia Hàn Quốc đánh giá: “Nền tảng của quan điểm này chịu ảnh hưởng từ góc nhìn của Trung Quốc và tư tưởng Hoa dị quan vốn đặt Trung Quốc làm trọng tâm. Tức, cách nhìn nhận của Choi Chi Won là lăng kính tư tưởng của Trung Quốc hay nói cách khác đây không phải là quan điểm của Hàn Quốc”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cung cấp một số tư liệu về Việt Nam trong các ghi chép riêng lẻ của các quan lại và dân thường bị phiêu dạt đến Việt Nam, được người Việt cứu và có thời gian sống tại Việt Nam.
Đánh giá về các nguồn sử liệu do Hàn Quốc cung cấp, TS.Vũ Quốc Hiền cho rằng “rất hứng thú”. Theo ông Hiền: “Vấn đề “xử lý tư liệu” và vấn đề “tài liệu gốc hay không?” đã được đặt ra sau khi những ghi chép về Việt Nam trong sử liệu của Hàn Quốc được công bố. Vì hầu hết đều xuất phát từ quan điểm của những người bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa, do đó có cách nhìn thiên kiến về Việt Nam. Vì vậy cần có sự hợp tác trao đổi về những văn bản gốc để hai bên có cái nhìn khách quan hơn”.
Những hiện vật gốm sứ được tìm thấy trên tàu cổ Hòn Cau có niên đại từ năm 1690.
Hợp tác để thành công
Bên cạnh những sử liệu do Hàn Quốc cung cấp, vấn đề khai thác, nghiên cứu văn hóa biển Việt Nam đang có nhiều hướng phát triển tích cực. Cụ thể, theo báo cáo của BTLSQG về hợp tác nghiên cứu hệ thống thương cảng cổ ở Việt Nam đến nay đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát quy mô, quá trình phát triển, giao thương của 25 thương cảng cổ lớn nhỏ. Trong đó có các thương cảng trung tâm như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên); Thanh Hà (Huế); Hội An (Quảng Nam); Bãi Xàu (Sóc Trăng)… Ngoài ra còn có các cảng nhỏ xung quanh đóng vai trò hỗ trỡ cho việc giao thương buôn bán chủ yếu là tránh bão và tập kết hàng hóa.
Bên cạnh đó, việc hợp tác còn tiến hành những nghiên cứu một số tín ngưỡng thờ cúng của ngư dân ở các vùng thương cảng cổ như: tín ngưỡng thờ cúng cá ông của các ngư dân đi biển; tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cư dân vùng Đông Nam Bộ. Thông qua việc nghiên cứu hệ thống các thương cảng cổ sẽ là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu sâu hơn các vấn đề như lịch sử hàng hải Việt Nam; sự hình thành và phát triển của hệ thống các đô thị cổ Việt Nam…
TS. Nguyễn Văn Cường- Giám đốc BTLSQG chia sẻ: “Nên khai thác thêm các nguồn sử liệu từ Trung Quốc vì trong giao thương với Việt Nam, Trung Quốc chiếm một thị phần rất lớn. Chúng ta không thể không nghiên cứu những nguồn sử liệu trên với sự phát triển của các thương cảng cổ, thông qua việc nghiên cứu nguồn sử liệu sẽ soi sáng nhiều phía điều đó giúp cho những nghiên cứu của chúng ta có giá trị hơn”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận vấn đề nghiên cứu, khảo sát di sản biển ở Việt Nam hiện nay còn có nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều di tích thương cảng cổ do các yếu tố thiên nhiên, chiến tranh và con người mà nhiều vết tích của các thương cảng cổ đang bị xâm lấn, thu hẹp hoặc đang bị phá hủy nghiêm trọng.
Ở đó nếu không có biện pháp kịp thời thì những tư liệu quý giá này sẽ mất đi vĩnh viễn. Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực và kỹ thuật bảo quản cho ngành khảo cổ học biển đảo và khảo cổ học dưới nước của Việt Nam hiện nay còn hạn chế, điều đó đã tác động xấu đến các hiện vật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa biển…