Di tích lịch sử Quốc gia CADA trước nguy cơ thành... phế tích

Tuấn Anh 02/10/2015 10:23

Di tích Đồn điền cà phê CADA nằm trên địa bàn xã Ea Yông (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1999. Nhưng hơn 15 qua, bên cạnh miếu thờ CADA được trùng tu xây dựng và bảo vệ tốt thì nhiều hạng mục khác tại di tích đang phải đối mặt với sự xuống cấp trầm trọng.

Hàng chục mét tường rào bị đổ sập vẫn chưa được xây dựng lại.

Đồn điền cà phê CADA là một trong những đồn điền hình thành sớm bởi quá trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung và Đắk Lắk nói riêng (năm 1922). Đồn diền kéo dài từ km 18 đến km 47 ven Quốc lộ 26 trên tuyến đường Buôn Ma Thuột đi Nha Trang…

Theo quan sát của PV, nhiều hạng mục của quần thể di tích đang xuống cấp trầm trọng. Bên ngoài, tường rào nhiều nơi đã đổ sập, tại một số đoạn tường bị đổ nhiều người dân thiếu ý thức đã đem rác đổ thành đống, thậm chí họ còn lùa cả trâu bò vào chăn thả. Cửa vào di tích nhiều thanh sắt bị bẻ cong, cây dại, cỏ mọc um tùm.

Trong sân di tích một số chỗ có bê tông, cỏ không mọc được người dân tận dụng chở vỏ cà phê, phế phẩm nông nghiệp về ủ phân vi sinh. Mái tôn nhiều nơi rách nát không được che chắn lại. Cứ mỗi cơn gió lùa qua thì cả dãy nhà rung lên rầm rập.

Trong xưởng, những chiếc máy thời Pháp thuộc đưa qua dùng để rang xay, sản xuất cà phê thì bụi bặm bám dày cả lớp. Hai căn nhà trưng bày được xây dựng cả mấy năm nay tuy chưa đưa vào sử dụng nhưng cầu thang sắt đã rỉ sét và bắt đầu xuống cấp. Phía ngoài nhiều người đã dựng nhà tạm, sửa chữa xe máy, kinh doanh hàng nước, xả rác bừa bãi.

Theo phản ánh của người dân thì đến mùa thu hoạch nhiều hộ tiểu thương còn biến nơi này thành điểm tập kết, thu mua nông sản khiến cho di tích trở nên nhếch nhác hơn...

Ông Nguyễn Văn Thành, bảo vệ khu di tích Đồn điền CADA cho biết: “Tôi làm ở đây được 4 năm, nhưng hằng ngày cứ phải chứng kiến nhiều hạng mục xuống cấp tôi buồn lắm. Chỉ mong sao các cấp, các ngành sớm đầu tư cho xong đưa vào sử dụng, có người vô ra đỡ buồn, chứ lâu nay, chẳng thấy khách du lịch nào ghé thăm cả”.

Trao đổi với chúng tôi, ôngTạ Văn Châm - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yông cho biết: “Di tích lịch sử Đồn điền cà phê CADA đứng chân trên địa bàn của địa phương nhưng công tác quản lý do Sở VHTT&DL tỉnh nên xã không nắm được tình hình. Chỉ nghe người dân phản ánh di tích có bị đổ bờ rào chứ đổ bao nhiêu mét chúng tôi không rõ”.

Được biết, Di tích lịch sử Đồn điền cà phê CADA được trùng tu tôn tạo từ tháng 8/2009 đến tháng 3/2010 với tổng mức đầu tư 5,9 tỷ đồng. Trong đó hạng mục tu bổ, tôn tạo khu Miếu thờ thuộc di tích CADA có tổng mức đầu tư gần 1,8 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, Sở đã giao cho Phòng Văn hóa huyện trực tiếp quản lý. Còn hạng mục sân vườn nội bộ thuộc Di tích Miếu thờ CADA với tổng mức đầu tư trên 2,2 tỷ đồng hiện đang trong quá trình triển khai dự án.

Ông Trần Hùng - Giám đốc Trung Tâm quản lý di tích lịch sử tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, không chỉ Di tích Đồn điền cà phê CADA đang xuống cấp do thiếu kinh phí đầu tư tôn tạo mà nhiều di tích khác cũng đang xuống cấp khiến cho công tác quản lý, bảo vệ của Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để các cấp các ngành cùng tham gia bảo vệ di tích thì cần phải có quy định phân cấp quản lý cụ thể, chứ hiện nay nhiều địa phương cứ nghĩ việc quản lý di tích là do Trung tâm chứ địa phương không có trách nhiệm khi chưa được bàn giao là chưa đúng”.

Trước hiện trạng trên đây của Di tích lịch sử Đồn điền cà phê CADA, đề nghị các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cần sớm kiểm tra, xây dựng phương án tôn tạo, tu bổ và quản lý bảo vệ hiệu quả để phát huy giá trị của di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích lịch sử Quốc gia CADA trước nguy cơ thành... phế tích