Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội vừa phối hợp với Sở VHTT Hà Nội thành lập đoàn giám sát công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố. Kiểm tra cho thấy, hiện nay thành phố có hơn 2.000 di tích xuống cấp các hạng mục chính và trên 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Đình Thần Quy (Phú Xuyên) xuống cấp trầm trọng.
Nhiều di tích xuống cấp
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên nhiều di tích xuống cấp trầm trọng.
Qua kết quả giám sát, kiểm tra của Đoàn cho thấy, nhiều địa phương thiếu nguồn lực, bố trí ngân sách dàn trải nên mới dừng lại ở việc sửa chữa, chằng chống công trình, chưa tôn tạo, tu bổ được nhiều.
Tại huyện Thường Tín có 16 di tích cấp quốc gia và thành phố bị xuống cấp nghiêm trọng, cần tu bổ cấp thiết như: Chùa Pháp Vân, đình Tổ, đình Lam Sơn, đền Ngũ Xá, đình Hạ, đền An Lãng, đình An Định, đình An Duyên, lăng đá Quận Vân, đình Phúc Trạch… nhưng thiếu nguồn lực. Hay trên địa bàn huyện Ứng Hòa hiện có 25 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng (18 di tích có nguy cơ đổ sập), nhưng không có kinh phí để đầu tư, nâng cấp.
Trong đó nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn thu thấp, huyện chưa tự cân đối được thu - chi, nên việc bố trí kinh phí cho việc tôn tạo, tu bổ các di tích rất khó khăn. Mặc dù năm 2016, thành phố bố trí cho huyện hơn 5 tỷ đồng để tu bổ 4 công trình, nhưng đến nay mới có 1 di tích được thực hiện theo kế hoạch. Các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ cũng có hàng chục di tích đang bị xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo.
Cũng theo báo cáo, không chỉ các di tích ở khu vực ngoại thành bị ảnh hưởng nặng bởi các yếu tố tự nhiên thì tại các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tồn tại lớn nhất là những vi phạm khoanh vùng bảo vệ tập trung tại khu vực di tích.
Đặc biệt theo đánh giá của Đoàn giám sát việc quản lý nguồn công đức còn bất cập; vẫn còn hiện tượng người trông nom di tích, sư trụ trì chùa chưa xác định phạm vi, quyền hạn của mình, tự ý xây dựng công trình phá vỡ cảnh quan của di tích.
Tìm phương án thỏa đáng
Với báo cáo của Đoàn, mặc dù với vị thế là Thủ đô nhưng Hà Nội cũng đang đứng trước vô vàn khó khăn trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Trước đó, trong giai đoạn từ 2012-2017, Hà Nội đã triển khai tu bổ, chống xuống cấp cho khoảng 200 lượt di tích. Trong đó, ngân sách thành phố chi 270 tỷ đồng cho 13 di tích thuộc diện thành phố quản lý; hỗ trợ tu sửa 74 di tích thuộc cấp huyện quản lý.
Tuy nhiên, mặc dù đã có một nguồn kinh phí nhất định nhưng thực tế cho thấy hiện nay nguồn lực tu bổ, tôn tạo di tích ở nhiều địa phương còn hạn chế, nhất là tại các huyện ngoại thành. Do thiếu nguồn lực trong khi số lượng công trình cần tu bổ, tôn tạo lớn, ngân sách bố trí dàn trải nên hầu hết các công trình mới chỉ dừng lại ở việc sửa chữa, chằng chống tạm thời.
Theo ông Trương Minh Tiến- phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội, “Công tác giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa ở Hà Nội còn đối diện với nhiều khó khăn vừa mang tính chủ quan, vừa có tính khách quan. Ở đó vấn đề hiện hữu nhất là số lượng di tích lớn, có tuổi đời hàng trăm năm và trải trên địa bàn rộng nên dù được quan tâm tu bổ, nhiều di tích vẫn xuống cấp nghiêm trọng”.
Cũng theo ông Tiến trong khi đó công tác quản lý di tích cần đội ngũ cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm và sự phối hợp của nhiều cấp, ngành liên quan. Thực tế hiện nay cho thấy, nhân sự làm công tác quản lý di tích cấp huyện ở các phòng Văn hóa - Thông tin chỉ có một người, trong khi đó lại phải đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác nên hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và nhân sự tham gia hoạt động tu bổ di tích nhiều nơi còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng, còn xảy ra tình trạng không nắm được các hoạt động tại di tích, tự ý đưa hiện vật vào di tích, tự ý hạ giải, tu bổ di tích… khi chưa được cho phép.
“Công tác thiết kế, thi công tu bổ di tích cũng rất cần đội ngũ cán bộ, thợ lành nghề thực hiện bởi đây là công việc mang tích đặc thù, đòi hỏi giữ gìn nguyên vẹn các yếu tố gốc cấu thành di tích. Tuy nhiên, hiện các cán bộ kỹ thuật, đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề tham gia tu bổ di tích lại không nhiều”- phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho hay.
Trước thực trạng này, mới đây Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát, lập danh sách các di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên; bố trí kinh phí Chương trình mục tiêu tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên những di tích xuống cấp nặng, di tích có tiềm năng phát triển du lịch; không để tình trạng “khoán trắng” công tác bảo vệ di tích cho cá nhân.
Cùng với đó theo quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đặt mục tiêu tu bổ 20% số di tích xuống cấp. Hà Nội cũng chủ trương bảo tồn di sản theo hướng trọng điểm, tập trung cho các di tích đặc biệt cũng như di tích lịch sử cách mạng, nên nếu không có nguồn vốn xã hội hóa, bài toán này rất nan giải.