Di tích núi Cánh Diều bị quên lãng

Anh Tuấn-Đình Minh 24/03/2023 10:51

Được xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ 60 năm về trước, là một trong “tứ đại danh sơn” của TP Ninh Bình nhưng tới nay, nhiều hạng mục trong di tích núi Cánh Diều đã xuống cấp, không được quan tâm đầu tư tôn tạo như đúng giá trị của nó.

Di tích Quốc gia núi Cánh Diều hiện đang trong tình trạng xuống cấp.

Núi Cánh Diều (hay còn gọi là núi Ngọc Mỹ Nhân). Hiện nay, ngọn núi nằm tại phường Thanh Bình, được coi là một trong “tứ đại danh sơn” của TP Ninh Bình (gồm núi Non Nước, núi Lớ, núi Kỳ Lân, núi Cánh Diều). Núi này có hình dáng, vị trí, cảnh quan thiên nhiên đẹp, từ xưa đến nay đã được coi là một thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Ninh Bình. Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, núi Cánh Diều đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích Danh thắng cấp Quốc gia năm 1962.

Tại đây, hiện có các di tích tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời như đền Đức Thánh Cả, Động Tiên Sơn... Điều này thể hiện đời sống văn hóa tín ngưỡng phong phú của cư dân địa phương, đồng thời, tôn thêm giá trị tâm linh của núi Cánh Diều. Trải qua nhiều thăng trầm, chịu ảnh hưởng của cả thời gian lẫn chiến tranh, đến nay, di tích núi Cánh Diều không còn giữ được nguyên trạng cảnh quan như khi xếp hạng.

Đi theo tấm biển chỉ dẫn địa danh “Núi Cánh Diều - di tích lịch sử Quốc gia” nằm trên đường Hoàng Diệu vào sâu bên trong khoảng 100m là một không gian rộng lớn, nhưng um tùm cỏ dại. Nếu không có tấm bia này, nhiều người sẽ nhầm lẫn đang đi vào khu vực rừng núi hoang vu. Là di tích nằm ở trung tâm thành phố, tuy nhiên, xung quanh núi chỉ là những con đường mòn mọc đầy cỏ. Trước kia, trên núi Cánh Diều có nhiều tấm bia đá khắc các bài thơ do vua, chúa, thi sỹ sáng tác và cho khắc vào vách núi có niên đại hàng trăm năm. Tuy nhiên, đến nay, qua khảo sát, trên núi Cánh Diều hiện không còn giữ được các tác phẩm này do bị bom mìn bắn phá trong những năm tháng kháng chiến.

Bên trong khu vực động Tiên Sơn - phía Bắc núi Cánh Diều, thờ cúng các vị thần: Tam tòa Thánh Mẫu, thánh Cô thánh Cậu, ban Trần Triều, ban Thờ Phật, bà chúa động - Ngọc Mỹ Nhân. Do không được quan tâm, đầu tư tôn tạo nên khu vực đền trở nên chắp vá, rác thải bừa bãi nhiều nơi trong khuôn viên.

Lối dẫn vào đền đức Thánh Cả - nằm ở phía Nam chân núi Cánh Diều hiện cũng bị chợ dân sinh xâm lấn. Trước nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay, mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Bộ VHTTDL xem xét bổ sung hồ sơ di tích làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích, làm cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ di tích lâu dài.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở VHTT tỉnh Ninh Bình cho biết: Sau gần 60 năm được công nhận, mới đây, di tích núi Cánh Diều mới được các sở, ngành, chính quyền địa phương tiến hành cắm lại mốc giới khoanh vùng để bảo vệ. Về phía địa phương là UBND phường Thanh Bình, đơn vị này cũng rất mong mỏi khu vực núi Cánh Diều sớm có quy hoạch chi tiết, được đầu tư tôn tạo cảnh quan môi trường xung quanh để di tích xứng tầm di tích cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích núi Cánh Diều bị quên lãng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO