Tinh hoa Việt

Đi tìm hoa gạo…

TRANG THANH 17/04/2024 08:10

Ký ức trong ta là một thế giới đẹp, bí ẩn. Như được in trong não, được xăm lên da thịt, những câu chuyện xa xưa của một thời thơ ấu, một khi đã được xếp vào kho ký ức thành kỷ niệm, sẽ không dễ gì phai nhạt.

11(2).jpg
Đi qua mùa hoa gạo. Ảnh: Đức Quang.

Cho dù là thời gian mỗi ngày đẩy lùi kỷ niệm ấy xa ta của hôm nay hơn một khoảng cách. Cho dù sự già đi của cơ thể sinh học có thể khiến trí não con người dần đi tới nỗi quên nhớ mịt mùng. Cho dù thế gian biến cải, cuộc đời lúc có thăng trầm…

Mà lạ, càng ở những số phận thăng trầm của mai này, thì sự đẹp đẽ của ký ức xa xưa càng lấp lánh. Có lẽ bởi nó luôn luôn là những kỷ niệm đẹp đẽ được sống dậy trong nỗi nhớ của người lưu giữ. Và mỗi lần sống dậy như thế, nó lại được tô đậm thêm lên bởi lòng lưu luyến và cả những yêu thương.

Có một lần vào mùa thu năm ngoái, chẳng giữa mùa hoa, tôi bỗng nhớ quay quắt những cội gạo của làng mình. Nỗi nhớ đượm lòng buồn và tiếc cho đôi cây gạo giữa làng đã quá già cỗi, sâu bệnh và dân làng đành lòng phải hạ cây để đỡ bất an cho mọi người mỗi lần đi qua.

Con trai tôi tên là Gạo. Đó là cái tên lưu giữ cho tôi những kỷ niệm ngọt ngào về đôi cây gạo giữa làng. Khi tuổi thơ mỗi ngày đánh chuyền, nhảy dây bên gốc gạo. Khi mỗi mùa hoa tháng ba cầm nón đi nhặt hoa gạo rụng. Khi mỗi mùa lúa chín, ngồi bên gốc gạo đợi xe lúa của chị về tới, để giúp chị đẩy xe qua cây cầu gạch vòm cong. Và khi biết yêu, kể cho người mình yêu thương về ngôi làng, dòng sông, bến đá, những cây cầu và đôi cây gạo…

Dân gian thường nói “thần cây đa, ma cây gạo”. Người xưa cho rằng, mỗi ngôi làng/ mỗi vùng đất đều được bảo hộ bởi một vị thần, nên những nơi được xem là vùng đất thiêng, đều có đền thờ thần linh cai quản.

Trong các gia đình thường có bàn thờ thần linh thổ địa. Hoặc nếu không có thì mỗi khi giỗ tết, trong bài khấn tổ tiên ông bà, vẫn không khi nào thiếu câu mở đầu: “con cúi lạy các đấng thần linh...”. Làm lễ động thổ, hay khi về nhà mới, câu khấn đầu tiên bao giờ cũng thường “kính lạy các quan thần linh thổ địa…”, dẫu không biết vị thần linh thổ địa ấy cụ thể là ai. Nghĩa là, thần linh luôn ngự trị trong tâm thức con người. “Đất có thổ công, sông có hà bá”, “vạn vật hữu linh”. Ở những ngôi làng không có riêng đền thờ thần linh, nhưng có đình thờ thành hoàng, là những người có công như lập làng, dựng ấp, truyền nghề tổ; hay đền thờ các vị thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng lên bậc thánh, thì tâm thức người dân vẫn coi ngôi đình/đền đó gồm thờ cả các vị thần linh.

Tinh thần con người ta mỗi khi đến đình/đền dâng lễ, cầu cúng bao giờ cũng đủ gồm các ý nghĩa: cúng thần, cúng thánh, cúng thành hoàng làng… Và trong bài khấn, khi nào cũng được kêu đủ các vị thần/thánh có tên và không tên, có trong lịch sử và không có trong lịch sử, thậm chí ngay cả khi ngôi đình/đền ấy thờ một nhân vật lịch sử có tên tuổi cụ thể, thì người dân thường cúng sẽ chỉ kêu chung chung là “con lạy các vị thánh, thần”…

Nhưng bao giờ và gần như ở làng nào cũng thế, bên ngôi đình thờ thần/thánh hay thành hoàng làng, người dân sẽ trồng ít nhất một cây đa. Trong thiết chế làng xưa thường có đủ dòng sông, ngôi đình, cây đa, giếng nước. Cây đa ngoài ý nghĩa cho cảnh sắc, cho bóng mát, thì chắc chắn khi cây lớn lên thành cổ thụ, ai cũng đều nghĩ, cây ấy là nơi mà các vị thánh/thần về ngự…

Còn cây gạo? Sao lại “thần cây đa, ma cây gạo”? Dân gian vẫn thường sợ ma, vậy tại sao trong các ngôi làng, dọc bờ sông, nơi bến thuyền, người ta lại trồng cây gạo? Tôi hay vẩn vơ nghĩ về điều này, có lẽ vẫn là bởi ký ức. Ký ức chứa đựng quá nhiều hình ảnh đẹp đẽ, rưng rưng nhiều kỷ niệm đồng thời gợi nhớ về những điều mơ hồ mà thiêng liêng. Trong gia đình, người tôi lưu giữ được ít hình ảnh nhất, là ông bà nội của tôi. Vì ông tôi mất khi tôi còn bé, mới lên năm, sáu tuổi; bà tôi ở với người chú, ít ở nhà.

Nhưng tôi nhớ bà nội có lần dặn, mỗi khi đi qua một ngôi đình hay một ngôi chùa, con hãy đi chậm lại và khẽ cúi đầu. Từ bé tôi đã ghi nhớ đình chùa là nơi thiêng liêng, đến đình chùa bao giờ cũng rón rén, e ngại, nên không cần được giải thích, tôi cũng biết vì sao nên chậm lại và khẽ cúi đầu.

Nhưng bà tôi còn dặn, đi qua một cây đa, cây gạo thì nên khẽ cúi đầu trước khi muốn ngước lên ngắm nghía nó. Bà tôi nói, bởi cây đa là nơi ngự của các vị thần, cây gạo là nơi ngự của những linh hồn oan khuất, lang thang, phiêu dạt. Bây giờ tôi nghĩ, người ta trồng cây gạo, là để cho các linh hồn oan khuất, lang thang phiêu dạt có chỗ mà nương náu đó chăng? Dân gian vốn sợ ma, nhưng có lẽ sợ thì nên kính, kính để bớt sợ và để tin rằng, được kính thì ma sẽ không quậy phá…

Khi tôi còn bé xíu, chỉ chừng hai, ba tuổi, bà nội tôi có một cái lều bán nước và bánh kẹo lặt vặt ở dưới một gốc cây gạo to lớn, nơi đầu làng. Bên cây gạo ấy là dòng sông Vĩnh Giang, chảy qua phủ Đệ Nhị, xuôi về Hành cung thiên trường, thuộc Tức Mặc ngày nay, là nơi Đền Trần, thờ các vị vua và tướng lĩnh nhà Trần. Đối diện cây gạo ấy là nơi một trường nghề của Nam Định ở đấy thời sơ tán, sau này, khi trường chuyển về Lộc Hạ, thì nơi ấy trở thành trường tiểu học, dành cho lớp vỡ lòng và lớp một của thế hệ chúng tôi.

Ký ức tôi chỉ ghi nhớ được đúng một lần, bà nội cho tôi lên quán. Cái lều lợp mái rạ được dựng trên bốn cái cọc, hai cái cắm trên bờ, hai cái cắm xuống làn sông. Quán nước của bà chỉ có một cái chõng con, trên bày ấm giỏ chè xanh, lọ kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, mấy quả chuối; có vài cái ghế.

Bà đặt tôi ngồi trong lều, cho ăn cái kẹo lạc. Nhưng gốc gạo ấy thì tôi rất nhớ. Nó là hình ảnh gắn bó với tôi từ bấy, qua suốt tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành. Mỗi khi bị bạn bè trêu chọc, tôi chạy ra gốc gạo, úp mặt vào thân cây dấm dứt khóc. Lúc ấy tôi không hề thấy sợ thần hay ma, chỉ thấy cái thân cây to lớn ấy là một chỗ dựa, có thể che đi ánh mắt người khác nhìn tôi khóc. Ngay bên gốc gạo là một bến đá trong mát. Mùa hoa gạo nở cũng là mùa mưa cuối xuân, đường lầy bùn đất. Chúng tôi có bến đá ấy để rửa chân, gột rửa bùn đất bám trên ống quần mỗi khi vào lớp.

Hôm ấy, chẳng hiểu trí nhớ thế nào, hay ký ức muốn làm một cuốn phim quay chậm ngoài sự kiểm soát của chính mình, mà trong lúc nhớ tiếc đôi cây gạo giữa làng, tôi đinh ninh trên bến sông đầu làng nơi trường tiểu học của tôi năm xưa, vẫn còn đó một cây gạo…

Buổi sáng, tôi hăm hở đi ra đường làng, gặp em Thà hỏi đi đâu, tôi nói, đi chụp ảnh cây gạo đầu làng. Thà bảo, làm gì còn cây gạo nữa. Lâu rồi, người ta làm đường bê tông bên sông đấy thôi. Tôi ngớ ra, không tin. Rõ ràng tôi vẫn thấy cây gạo, sừng sững trên một bãi cỏ rất lớn, và cái bến đá xanh, dòng sông đoạn ấy rộng lớn nhất nhưng rất hiền hòa.

Tôi quả quyết mới đây còn nhìn thấy cây gạo. Sự quả quyết tự tin đến mức Thà trở nên nghi ngờ cả chính nó. Nhà nó ở gần cây gạo. Thà khẳng định, ngày nào nó cũng đi qua đầu làng, người làng đã làm lễ thần cây và chặt hạ cây gạo lâu rồi vì nó có mấy cành bị sâu, báo hiệu sẽ gãy, có thể gây nguy hiểm cho trẻ em. Ấy vậy mà tôi vẫn cứ hoài nghi. Thà bảo, cây gạo ấy em nhớ rất rõ, bà nội chị mở quán bán nước chè dưới gốc cây.

Ông nội chị cao gầy, đẹp lão. Đúng vậy. Thà là em họ nhưng hơn tôi ba tuổi, hẳn là nó nhớ cái lều quán ấy hơn tôi. Đứng ở đầu ngõ nhà nó lại nhìn thấy toàn cảnh cây gạo mỗi ngày. Nhưng tôi vẫn không chấp nhận được sự biến mất của cây gạo. Đôi cây gạo của tôi ở giữa làng đã biến mất, giờ lại là cây gạo đầu làng.

Thà bảo, chị ngồi lên đây, em chở chị đi tìm cây gạo. Tôi cứ ngẩn ngơ đứng nhìn, dòng Vĩnh Giang vẫn còn đó, ngôi trường đã được xây cất lại bề thế hơn, không còn là một dãy nhà chỉ đủ cho vài lớp vỡ lòng học như ngày xưa, bây giờ là một ngôi trường rộng lớn gồm cả trường cấp một, hai ở đó, chỉ cây gạo của tôi là không còn…

Thà thấy tôi cứ ngẩn ngơ, bảo, em đưa chị đi tìm một cây gạo khác, cũng ở bên dòng sông này. Nắng cuối thu vẫn giòn đến rát bỏng đôi gò má, chúng tôi ngược nắng phía tây làng, đi tìm cây gạo ở đầu làng Nhất Đê. Không phải mùa hoa, cây gạo xanh tươi soi bóng xuống dòng sông mùa khô gần như cạn trơ đáy nước. Đấy vẫn là đoạn nối dài của dòng Vĩnh Giang.

Một dòng sông xa xưa là trên bến dưới thuyền, các bến đá lớn được kỳ công tạo dựng suốt dọc triền sông để thuyền bè neo đậu, bây giờ đã bị thu nhỏ lại chỉ còn tựa một con mương. “Thế gian biến cải vũng nên đồi” (thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm), “Phút giây bãi bể nương dâu” (Lê Ngọc Hân - Ai tư vãn), trách gì những cây gạo làng tôi già đi và rồi không còn nữa…

Thà chụp ảnh cho tôi cùng cây gạo. Em hẹn, đến mùa hoa gạo, chị về nhé, em lại đưa chị đi tìm hoa gạo…

Bây giờ đang mùa hoa gạo nở, tôi nợ em một lời hẹn. Tôi biết mình còn nhiều nhung nhớ và ao ước, với ngôi làng, cây gạo và những dòng sông…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm hoa gạo…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO