Tuyến xe buýt nhanh dọc theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ sẽ tăng kết nối từ khu Tây vào trung tâm, tạo động lực cho địa ốc tăng trưởng.
TP HCM vừa quyết định tái khởi động tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 143,6 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Tăng kết nối
Xe buýt BRT sử dụng khí nén thiên nhiên chạy với tốc độ di chuyển 40km một giờ trên làn đường riêng, sẽ tăng khả năng chuyên chở gấp hai lần xe buýt thường cũng như rút ngắn 30% thời gian đi.
Tuyến BRT chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Điểm đầu tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (quận 2). Sau khi bến xe Miền Tây mới (huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này. Dọc theo tuyến có 31 trạm dừng, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển.
Việc triển khai tuyến buýt nhanh cùng với các công trình trên tuyến được kỳ vọng góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân. BRT không chỉ giúp việc di chuyển của cư dân Tây Sài Gòn vào trung tâm thành phố nhanh chóng, tiện nghi và an toàn hơn mà còn thu hút người dân đến an cư, kích thích bất động sản dọc theo tuyến này phát triển.
Thúc đẩy thị trường
Đại diện Tập đoàn Bất động sản An Gia, nhà phát triển dự án Westgate kỳ vọng khu Tây thành phố sẽ chứng kiến làn sóng đầu tư bất động sản dọc theo tuyến BRT số 1 tương tự như câu chuyện đang diễn ra dọc theo tuyến metro số 1 của khu Đông. Theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, nhiều dự án căn hộ và trung tâm thương mại đã hình thành dọc theo tuyến metro số 1 ngay từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 2012.
Trong giai đoạn 2015-2020, giá bán căn hộ cao cấp trên thị trường sơ cấp tại quận 2 tăng trung bình 7,3% mỗi năm, vượt mức tăng trung bình của toàn thị trường và vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai. Từ năm 2018, giá nhà trên thị trường thứ cấp đã tăng đáng kể khi tuyến metro dần hoàn thiện, với mức giá chào bán lại cao hơn 25-75% so với giá bán khởi điểm ban đầu.
"Tương tự như tuyến metro số 1, tuyến xe buýt nhanh cũng sẽ giúp người dân di chuyển nhanh chóng, an toàn và tiện nghi hơn. Nhưng BRT có thời gian triển khai nhanh nên chúng ta sẽ nhanh chóng nhìn thấy sự thay đổi của thị trường", đại diện An Gia dự báo.
Thực tế, bước chuyển mình của bất động sản Tây Sài Gòn luôn gắn liền với các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch. Điển hình là sự xuất hiện dày đặc của các dự án dọc theo đại lộ Mai Chí Thọ, ngay khi con đường này được quy hoạch. Bên cạnh đó là loạt hạ tầng trọng điểm như Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TP HCM - Trung Lương, cầu vượt An Sương, tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), đường Vanh đai 4... đã biến Tây Sài Gòn từ vùng đất bị "bỏ quên" thành thị trường địa ốc sôi động.
Thu hút nhà đầu tư
Nhiều thời điểm, khu vực này trở thành tâm điểm, với nguồn cung chào bán và lượng hấp thụ dẫn đầu TP HCM. Khảo sát sơ bộ cho thấy, khu Tây Sài Gòn hiện tại đã có sự góp mặt của phần lớn các đại gia bất động sản phía Nam như Phú Long, Kepple Land, Nam Long, An Gia...
Bên cạnh giao thông kết nối, khu vực Bình Chánh, quận 8 và Bình Tân thời gian gần đây cũng chứng kiến tốc độ phát triển về hạ tầng xã hội. Ngoài hệ thống y tế như Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri, bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, bệnh viện nhi đồng thành phố, nơi đây còn có hệ thống các trung tâm thương mại quy mô lớn, làng đại học Quốc tế Tây Bắc, sân golf, công viên... Đây là những điều kiện cơ bản để thu hút dân cư của một khu vực.
Một yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển địa ốc của khu Tây là quy tụ cư dân đông đúc. Tính đến tháng 4/2019, quận 8 có 424.000 người, Bình Tân hơn 784.000 người và Bình Chánh hơn 705.000 người. Dân số này liên tục tăng mỗi năm, kéo theo đó là nhu cầu nhà ở rất lớn.
Khảo sát từ Property Guru Việt Nam cho thấy, hiện nguồn cung mới từ khu vực này đóng góp cho thị trường còn khá khiêm tốn. Riêng trong quý III, nguồn cung căn hộ chào bán mới tại khu Tây gần như "mất hút". Do đó khu vực này vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư dự án khai phá thị trường. Điển hình như dự án West Gate tại trung tâm hành chính Bình Chánh được Tập đoàn An Gia triển khai thời gian qua với mức giá dưới 2 tỷ đồng, cách tuyến xe BRT chỉ vài phút di chuyển.
Giới chuyên gia nhìn nhận khu Tây nói chung và bất động sản dọc theo tuyến BRT nói riêng sẽ thu hút nhiều người mua nhà cũng như giới đầu tư lựa chọn trong thời gian tới nhờ kết nối giao thông thuận tiện. Nhu cầu tập trung vào những sản phẩm có pháp lý minh bạch, với tỷ lệ hấp thụ cao. Ghi nhận của DKRA Vietnam cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ các dự án mới tại khu Tây đạt hơn 72% trong quý III. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo khách hàng nên cân nhắc thêm các yếu tố về uy tín chủ đầu tư, tình trạng pháp lý và tiến độ xây dựng để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn chi ra.