Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 224.771 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 92 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc và tử vong đều tăng.
Hà Nội đã có 5 ca tử vong
Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội cho hay, hiện số ca mắc SXH trên địa bàn đang tăng mạnh. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố ghi nhận gần 4.000 ca mắc, có 5 ca tử vong. Số ca mắc SXH tăng 1,8 lần so với số ca mắc trung bình 5 năm. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 3.900 ca SXH. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận số ca mắc bệnh cao là Thanh Oai, Thanh Trì, Đống Đa, Đan Phượng…
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định, tình hình dịch bệnh SXH tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới. Do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hàng năm dịch SXH có thể bùng phát sau 3 - 5 năm (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022). Theo dự báo, số lượng cơn bão sẽ kéo dài trong tháng 10, 11, 12. Do đó, bệnh SXH cũng sẽ kéo dài theo và đỉnh dịch có thể vào giữa tháng 10, tháng 11. Tuy công tác phòng, chống dịch bệnh SXH được triển khai từ đầu năm nhưng cần tập trung quyết liệt vào tháng 10, 11,12 để hạn chế số ca mắc, chuyển biến nặng và tử vong.
Theo ông Tuấn, qua theo dõi, trên 80% bệnh nhân mắc SXH là thể nhẹ, nếu người bệnh mắc SXH hiểu về bệnh, được theo dõi và tư vấn đúng thì sẽ hạn chế được bệnh diễn biến nặng. Nhưng hiện nay, một số hộ gia đình vẫn chưa chủ động dọn vệ sinh sạch sẽ, qua kiểm tra vẫn phát hiện dụng cụ chứa nước có bọ gậy... Đồng thời, vẫn còn tình trạng một số người dân chủ quan, lơ là, khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc SXH không báo cho cơ quan y tế mà tự điều trị dẫn đến bệnh chuyển biến nặng, có nguy cơ tử vong.
TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục Trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng nhận định, trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do SXH ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái. Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số ca mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ tháng 7-11. Do đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường phòng, chống SXH và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Nên thực hiện test nhanh trong vòng 3 ngày đầu
Bệnh SXH gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Vì vậy, việc phát hiện sớm SXH giúp cho các bác sĩ theo dõi được quá trình bệnh theo từng ngày và có những biện pháp xử lý thích hợp.
Vậy khi nào nên test nhanh để phát hiện SXH? Theo các bác sĩ, test nhanh SXH chính xác nhất là thực hiện trong vòng 3 ngày đầu và giảm dần sau đó. Hiện có hai loại xét nghiệm chẩn đoán sớm SXH, thứ nhất là Real-time PCR, nhưng xét nghiệm này chỉ có thể thực hiện được ở các bệnh viện, phòng xét nghiệm hiện đại. Thứ hai là xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 (test nhanh) cho chẩn đoán sớm nhất từ ngày thứ nhất đến khi hết bệnh SXH.
BSCKII Phan Vĩnh Thọ - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, triệu chứng lâm sàng SXH phải sau ngày thứ 3 mới rõ ràng. Cụ thể, bệnh nhân bị sốt, nổi những chấm li ti ở những vùng hay cọ xát như nách, da bị xung huyết...
Theo BS Thọ, khi người bệnh có dấu hiệu sốt phải đi khám bệnh, có thể xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 cho kết quả nhanh, trong vòng khoảng 30 phút. Về chuyên môn, test nhanh SXH gần giống như test nhanh Covid-19, nhưng khác ở chỗ là lấy mẫu thử khác nhau. Test nhanh Covid-19 lấy dịch hầu họng để tìm kháng nguyên còn test nhanh SXH thì lấy máu của người bệnh, sau đó quay ly tâm trích ra huyết thanh của bệnh nhân để tìm kháng nguyên virus SXH dengue. Sau khi lấy được mẫu và xử lý xong, nhân viên y tế sẽ nhỏ mẫu lên khay thử và chờ khay thử xuất hiện các vạch màu. Nếu chỉ một vạch C là âm tính, nếu có hai vạch C và T thì dương tính (là mắc SXH). BS Thọ lưu ý đặc biệt, người làm test nhanh SXH cần phải đến phòng khám, cơ sở y tế để nhân viên y tế thực hiện.